Bơm máu tự thân khơi thông dòng máu tắc nghẽn sau đặt stent

Nong và đặt stent mạch vành là kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, giúp mở rộng lòng động mạch vành do mảng xơ vữa gây hẹp tắc. Phương pháp này nhằm cải thiện thiếu máu cơ tim, điều trị các bệnh mạch vành.

Theo BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khoảng 1% người bệnh gặp tình trạng mất dòng (dòng máu tắc nghẽn) sau đặt stent, đe dọa tính mạng hoặc gây suy tim dai dẳng. Trước đây không có dụng cụ cơ học nào để xử lý vấn đề chậm hay mất dòng. Bác sĩ chỉ có thể dùng các loại thuốc đặc trị, thuốc tiêu sợi huyết... Hiện, phương pháp bơm máu tự thân do bác sĩ bệnh viện Tâm Anh nghiên cứu và ứng dụng từ tháng 6/2021, có thể khắc phục được tình trạng mất dòng.

Máu tự thân được lấy từ chính cơ thể người bệnh nên luôn có sẵn và hoàn toàn tương thích. Bác sĩ lấy máu từ động mạch đùi sau đó bơm vào lòng động mạch vành thông qua dụng cụ hút huyết khối. Mục tiêu nhằm đưa dòng máu giàu oxy tái tưới máu vùng cơ tim, khắc phục căn nguyên thiếu máu cơ tim ban đầu, từ đó giảm co thắt mạch, đẩy trôi các mảng xơ vữa và huyết khối ra xa, tái thông dòng chảy. Trung bình trong một phút bác sĩ bơm 60 ml máu vào mạch vành. Bơm liên tục 3-5 phút thì kiểm tra một lần xem có huyết khối trong lòng mạch máu không, bơm đến khi khơi thông được dòng máu tắc nghẽn.

"Liên tục bơm máu cũng là giải pháp tối ưu đảm bảo huyết động của bệnh nhân", bác sĩ Hưng nói, giải thích điều này tránh biến chứng suy tạng trước khi thiết lập đường để thực hiện ECMO - phương pháp sử dụng tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể để tim được nghỉ ngơi chờ hồi phục. Tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, phương pháp này hiệu quả cao trong các tình huống cấp cứu mất dòng, dòng chảy chậm ngay sau đặt stent mạch vành.

Đơn cử ông Chiến, 61 tuổi, Hà Nội, cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội. Người bệnh đột ngột mất ý thức, môi tím tái, ngưng tim. Bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn, cấy máy tạo nhịp tạm thời vào tĩnh mạch đùi phải. Bác sĩ Hưng chẩn đoán người bệnh bị tắc cụt đoạn hai mạch vành phải. Mạch máu nuôi tim tắc hoàn toàn dẫn đến hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim có đoạn ST chênh lên trên điện tâm đồ (dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim cấp). Vị trí tổn thương hẹp ảnh hưởng tới huyết động của nhịp và khả năng co bóp của cơ tim. Êkíp đặt một stent mạch vành khơi thông dòng máu nuôi tim, tuy nhiên dòng chảy vẫn chậm.

Theo bác sĩ Hưng, thiếu máu cơ tim là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng chậm dòng hoặc mất dòng chảy này. Cơ tim thiếu máu từ 30 phút trở lên sẽ xuất hiện một loạt các rối loạn như xuất huyết trong cơ, chuyển hóa thiếu oxy... khiến các tế bào sản xuất ra chất gây co thắt mạch, sưng phù đè ép mạch máu. Người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn và bơm máu tự thân nội động mạch vành.

Êkíp bơm máu tự thân vào động mạch vành để tái lưu thông dòng máu bị tắc nghẽn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Êkíp bơm máu tự thân vào động mạch vành để tái lưu thông dòng máu bị tắc nghẽn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tương tự, chị Khanh, 40 tuổi, cấp cứu khi đau ngực nhẹ. Người bệnh mắc tiểu đường 10 năm nay, cao huyết áp, có bố từng bị hẹp mạch vành. Mạch vành phải của chị Khanh khít nặng 95%, tổn thương lan tỏa, dòng chảy chậm. Bác sĩ đặt stent mạch vành, song sau nong và đặt stent, dòng chảy tắc cụt do co thắt vi mạch. Nhờ phương pháp bơm máu tự thân nội động mạch vành, cơ tim dần phục hồi co bóp, huyết áp ổn định, không còn loạn nhịp, dòng chảy mạch vành được tái thông. Người bệnh xuất viện sau 3 ngày.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2021, bệnh tim thiếu máu cục bộ (bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới chiếm tới 13%.

Ly Nguyễn

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp