Rụng tóc hơn 100 sợi mỗi ngày, tốc độ nhanh hơn mọc lên khiến tóc mỏng và thưa trong thời gian ngắn. Ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ, rụng tóc cũng là một trong những triệu chứng cảnh báo vấn đề sức khỏe. Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bị rụng tóc do suy dinh dưỡng, sau sinh, giảm cân nhanh, stress... có thể giảm rụng mà không cần điều trị, tóc có thể tự mọc lại khi khắc phục được các nguyên nhân này. Tuy nhiên, một số trường hợp rụng tóc có thể cần điều trị, phối hợp nhiều phương pháp.
Thuốc xịt, uống
Người bị rụng tóc nhẹ, trung bình nên đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp, tránh tự ý mua thuốc điều trị. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc xịt và uống để kích thích mọc tóc, ngăn rụng. Thông thường người bệnh cần chờ ít nhất 6 tháng.
Tiêm mesotherapy
Bác sĩ Trang cho biết người bị rụng tóc có thể tiêm mesotherapy (tiêm vi điểm) xâm lấn tối thiểu bằng cách dùng mũi kim siêu nhỏ để dẫn thuốc, hoạt chất... vào dưới da đầu. Người bệnh cần tiêm nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3-6 tuần. Tiêm mesotherapy có thể mang lại kết quả tích cực, giúp giảm rụng tóc và kích thích tóc phát triển.
Bác sĩ chỉ định phương pháp này cho người bị rụng tóc có sẹo và không sẹo. Tùy tình trạng rụng tóc khác nhau, bác sĩ chỉ định số lần tiêm và hoạt chất điều trị phù hợp như các hoạt chất chống viêm, các vitamin, chất dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, thuốc kích thích mọc tóc hay huyết tương giàu tiểu cầu.
Cấy tóc
Đây là phương pháp thường được sử dụng để trị hói đầu. Bác sĩ nhổ nang tóc ở vùng tóc khỏe mạnh và nhiều, sau đó cấy nang tóc vào vùng bị rụng, tóc thưa, hói. Hiệu quả sau khoảng 6-12 tháng cấy tóc, sợi tóc được sắp xếp tự nhiên mọc khỏe mạnh. Theo bác sĩ Trang, cấy tóc mang lại hiệu quả cao nhưng nếu thiết bị lạc hậu, bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể cấy tóc không chính xác, dẫn đến tỷ lệ sống của nang tóc giảm, rụng tóc có thể tái phát.
Liệu pháp laser
Liệu pháp laser giảm rụng tóc nhờ tăng tuần hoàn da đầu, kích thích các nhú bì tăng sinh, giúp nang tóc phát triển tốt hơn. Laser cũng có tác dụng giảm thời gian của giai đoạn telogen (giai đoạn nang tóc nghỉ ngơi) và tăng thời gian ở chu kỳ hoạt động, nhờ đó tóc mọc nhanh hơn.
Phương pháp này không gây khó chịu, không đau trong và sau khi điều trị, có hiệu quả đáp ứng tương đối cao và hạn chế rụng tóc tái phát ở nhiều trường hợp. Sau điều trị, việc chăm sóc cũng dễ dàng. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện laser nhiều lần, 2-4 tuần mỗi lần tùy vào tình trạng rụng tóc của người bệnh, bác sĩ Trang cho biết.
Bổ sung vitamin, khoáng chất
Rụng tóc cũng có thể do tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất. Nếu xét nghiệm máu cho thấy người bệnh không bổ sung đủ biotin, sắt, kẽm, protein..., bác sĩ có thể tư vấn dùng thực phẩm chức năng hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống.
Bác sĩ Trang lưu ý điều trị rụng tóc cần thời gian dài mới nhận thấy kết quả. Người bệnh nên kiên trì và tái khám thường xuyên để được đánh giá hiệu quả và điều chỉnh liệu pháp phù hợp.
Đinh Tiên
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |