Dịp cuối năm, tần suất đi lại, tiệc tùng gia tăng, áp lực công việc kèm với lịch sinh hoạt thất thường, thiếu ngủ... có thể làm triệu chứng rối loạn tiền đình dễ tái phát, tăng nặng. ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn một số cách kiểm soát rối loạn tiền đình, tránh tái phát.
Kiểm soát stress
Khi cơ thể chịu áp lực kéo dài, hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức, dẫn đến rối loạn kiểm soát thăng bằng và tuần hoàn máu ở tiền đình. Stress còn làm tăng hormone cortisol, gây co mạch máu, giảm lượng máu và oxy cung cấp cho tai trong, làm nặng thêm triệu chứng chóng mặt và buồn nôn. Những ngày cuối năm, người bệnh nên kiểm soát căng thẳng, thư giãn sau 1-2 giờ làm việc, nghe nhạc nhẹ, thực hành thiền, hít thở sâu, đi bộ thư giãn.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ chất lượng có thể giúp phục hồi hệ thần kinh trung ương và hệ tiền đình. Người bệnh tiền đình nên ngủ 6-8 tiếng mỗi đêm để cơ thể và não bộ được nghỉ ngơi, phục hồi. Tránh sử dụng điện thoại, máy tính hoặc tivi hơn 1-2 giờ trước khi ngủ. Hạn chế uống cà phê, trà hoặc các đồ uống có caffeine vào buổi chiều tối vì chúng có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Phòng ngủ nên thoáng mát, thoải mái và yên tĩnh.
Hạn chế đọc sách, làm việc khi di chuyển
Dùng thiết bị điện tử khi di chuyển trên các phương tiện giao thông (tàu xe, máy bay) có thể gây ra cảm giác chóng mặt, buồn nôn hoặc cảm giác mất thăng bằng. Bởi có sự khác biệt giữa tín hiệu thị giác (hình ảnh từ sách, điện thoại, máy tính) và cảm nhận từ hệ thống tiền đình (cảm giác chuyển động từ phương tiện giao thông).
Thay vì đọc sách hoặc sử dụng điện thoại, bạn có thể nghe nhạc nhẹ nhàng, chọn chỗ ngồi gần cửa sổ hoặc ở vị trí ổn định, tránh những khu vực dễ bị rung lắc. Khi cảm thấy chóng mặt, bạn cố gắng nhìn vào một điểm cố định ngoài cửa sổ để giảm cảm giác xung đột giữa thị giác và tiền đình.
Tránh thay đổi đầu đột ngột
Khi thay đổi vị trí đầu quá nhanh như ngồi dậy hoặc cúi đầu đột ngột, hệ thống tiền đình tai trong không kịp thích ứng. Người bệnh nên đứng dậy từ từ hoặc áp dụng các bài tập giúp cải thiện sự thăng bằng như yoga, bài tập phục hồi chức năng tiền đình để bớt chóng mặt.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống cân đối, giàu vitamin và khoáng chất giúp hỗ trợ hệ thần kinh và cải thiện chức năng tiền đình. Ưu tiên thực phẩm giàu omega-3, vitamin D, canxi và magiê, đồng thời hạn chế các thực phẩm gây kích thích như cà phê, rượu.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga góp phần cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ chức năng tiền đình. Người bệnh nên tránh các bài tập mạnh hoặc các hoạt động thể chất quá mức, vì có thể làm tăng cảm giác chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
Tránh tiếng ồn lớn
Khi tiếp xúc với âm thanh lớn hoặc tiếng ồn kéo dài, cơ thể bị kích thích quá mức, gây chóng mặt hoặc mất thăng bằng. Tiếng ồn còn có thể làm tăng căng thẳng thần kinh, khiến triệu chứng tăng nặng. Người phải tiếp xúc với môi trường ồn ào như lễ hội, tiệc tùng hoặc các sự kiện đông đúc thỉnh thoảng có thể ra ngoài hoặc chuẩn bị nút tai, tai nghe chống ồn.
Thực hiện bài tập tiền đình
Bài tập phục hồi chức năng tiền đình với sự hướng dẫn của bác sĩ hỗ trợ cải thiện thăng bằng, điều trị rối loạn tiền đình. Các bài tập giúp tái định vị sỏi tai, ngăn ngừa chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
Bác sĩ Hằng khuyên người bị rối loạn tiền đình nên tuân thủ điều trị, tái khám theo lịch và uống thuốc theo toa. Không tự ý bỏ điều trị khiến bệnh tái phát, tiến triển nặng. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường như chóng mặt hoặc buồn nôn, người bệnh nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |