Cách nào ngăn đau thần kinh sau zona kéo dài?

BS Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết biến chứng đau thần kinh sau zona là cơn đau kéo dài sau khi tổn thương da do bệnh đã lành. Đây là biến chứng thường gặp và tác động nặng nề đến người bệnh. Các cơn đau sau zona được miêu tả như gai nhọn đâm, bị bỏng nước sôi. Một số bệnh nhân cho biết bị đau nặng nề hơn cơn đau khi sinh con.

Các cơn đau thần kinh sau zona còn khiến tinh thần người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, không thể sinh hoạt vận động bình thường. Cơn đau có thể kéo dài hàng chục năm, dai dẳng khiến người bệnh suy kiệt do thiếu ngủ, không thể ăn, uống...

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), khoảng một trong năm người bị bệnh zona sẽ bị đau dây thần kinh sau zona. Người trên 50 tuổi có nguy cơ đau sau zona cao gấp 15 - 25 lần so với người dưới 30 tuổi.

Đau thần kinh sau zona tạo ra các cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Ảnh: Spine center

Đau thần kinh sau zona tạo ra các cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Ảnh: Spine center

Để giảm thiểu nguy cơ mắc đau thần kinh sau zona, BS Cầm khuyến cáo tập trung phát hiện, tiếp nhận điều trị ngay khi có triệu chứng và chủ động phòng ngừa sớm bằng vaccine.

Triệu chứng của đau thần kinh sau zona là các cơn đau ở vùng da từng nhiễm bệnh hoặc cảm giác ngứa dữ dội, nhạy cảm hơn bình thường. Người bệnh dễ cảm thấy đau dù là va chạm nhẹ với quần áo hoặc có gió nhẹ thổi qua.

Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol và ibuprofen thường không đáp ứngvới cơn đau thần kinh sau zona khi vùng da đã lành. Người bệnh cần thăm khám ngay tại các bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc thần kinh để được điều trị thích hợp. Nguy cơ mắc đau thần kinh sau zona sẽ thấp hơn nếu bệnh nhân được uống thuốc chống virus trong 72 giờ đầu sau phát ban zona.

Bác sĩ Cầm lưu ý người trên 50 tuổi và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine zona thần kinh có hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi và 70-87% ở người từ 18 tuổi có nguy cơ cao do mắc bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc, liệu pháp điều trị gây ức chế miễn dịch. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 1-2 tháng. Vaccine zona thần kinh cũng giúp phòng tái phát, phòng biến chứng đau thần kinh sau zona nếu bệnh nhân tái phát bệnh.

Vaccine zona thần kinh dành cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao. Ảnh: Hoàng Thọ

Vaccine zona thần kinh dành cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao. Ảnh: Hoàng Thọ

Bên cạnh đó, bác sĩ Cầm khuyến cáo cần tránh một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc zona như: chế độ ăn uống kém, rối loạn tâm trạng, căng thẳng... Người từng mắc thủy đậu cần nâng cao thể trạng tổng thể bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh các trường hợp căng thẳng để giảm nguy cơ mắc zona thần kinh và gặp biến chứng.

Ngoài ra, zona thần kinh và thủy đậu có cùng tác nhân gây bệnh là virus varicella zoster. Virus sau khi gây bệnh thủy đậu sẽ tái hoạt động gây zona khi cơ thể suy yếu. Do đó, trẻ em và người lớn chưa xác định mắc thủy đậu cần tiêm phòng bệnh để hạn chế mắc zona thần kinh. Phác đồ tiêm vaccine thủy đậu gồm 2 mũi cách nhau 1-3 tháng tùy độ tuổi, hiệu quả lên đến 98% khi tiêm đủ liều, đúng lịch.

Nhật Linh

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.