Căng thẳng thúc đẩy ung thư tiến triển thế nào

Căng thẳng (stress) là tình trạng lo lắng quá mức, xảy ra khi một người chịu áp lực về tinh thần, thể chất hoặc cảm xúc.

BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, Đơn vị Ung Bướu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết khi căng thẳng, cơ thể sản xuất ra nhiều loại hormone như cortisol, epinephrine và norepinephrine. Những chất này có thể gây ra phản ứng làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và lượng đường trong máu. Người bị căng thẳng kéo dài thường lo âu, cáu kỉnh, khó thư giãn và không tập trung. Những thay đổi này tác động không tốt đến sức khỏe, nhất là với người bệnh ung thư.

Bác sĩ khoa Ung Bướu tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ khoa Ung Bướu tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Suy yếu hệ thống miễn dịch: Căng thẳng kéo dài có thể làm trầm trọng các vấn đề về sức khỏe, dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm khuẩn và bệnh tật. Hệ miễn dịch suy yếu tạo cơ hội cho một số loại ung thư phát triển và cũng góp phần làm nặng hơn các triệu chứng bệnh.

Thúc đẩy thói quen không lành mạnh: Căng thẳng thường xuyên khiến nhiều người dễ bị mất ngủ, thức khuya, có xu hướng tìm đến những hoạt động, thói quen không tốt cho sức khỏe như uống rượu, hút thuốc. Những thói quen này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, thúc đẩy các triệu chứng bệnh ung thư nặng hơn.

Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và tái tạo của cơ thể, gây rối loạn hormone. Đây là một trong những yếu tố gián tiếp góp phần vào việc phát triển (di căn xa hoặc tái phát) ung thư.

Theo bác sĩ Thanh, khi đón nhận tin mắc ung thư, người bệnh có thể trải qua rất nhiều trạng thái cảm xúc như lo lắng, buồn phiền, trầm cảm... Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc trao đổi, chia sẻ khiến các rối loạn tâm lý càng trở nên nghiêm trọng, lâu dần dẫn đến stress. Do đó, người bệnh ung thư cần được hỗ trợ, chia sẻ cảm xúc với bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ tâm lý để được tư vấn, chăm sóc giảm nhẹ và chữa trị phù hợp, góp phần giảm căng thẳng.

Bác sĩ Thanh khuyên người thân hoặc người chăm sóc nên kết nối, chia sẻ với người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh nên thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, tập yoga, đi bộ, ăn đầy đủ dưỡng chất để giảm căng thẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả điều trị.

Nguyễn Trăm

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp