Chàng trai tử vong sau ăn bánh ngọt do dị ứng đậu phộng

Sự việc xảy ra vào tháng 6/2024, khi Idris Qayyum đang đi du lịch tại Antalya. Đến tháng 12, gia đình Qayyum quyết định kiện công ty du lịch Love Holidays vì cái chết của con họ. Người nhà cho rằng Qayyum dị ứng đậu phộng nặng từ nhỏ nên đã thông báo tình trạng này với khách sạn Marti Myra ở Antalya nơi mình lưu trú trong chuyến du lịch và nhờ nhân viên khách sạn lưu ý điều này khi phục vụ đồ ăn.

Theo gia đình, vào ngày ăn bánh, Qayyum ba lần hỏi nhân viên phục vụ xem món tráng miệng này có chứa đậu phộng hay không, bằng cả tiếng Anh lẫn Google dịch, và được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, sau khi ăn bánh, Qayyum cảm thấy buồn nôn và khó thở. Bạn bè gọi video cho mẹ cậu, bà Ayeshah Bathia, để nhờ hỗ trợ. Qua cuộc gọi video, bà Bathia chứng kiến cảnh con trai mình được hô hấp nhân tạo và hướng dẫn nhân viên cấp cứu sử dụng bút tiêm epinephrine (EpiPen) cho Qayyum.

Dù vậy, chưa đầy 25 phút sau, tim của thanh niên 19 tuổi ngừng đập. Bất chấp các nỗ lực cứu chữa, cậu không qua khỏi. Gia đình Qayyum cho rằng công ty lữ hành và các đối tác đã không cung cấp thông tin chính xác về chất gây dị ứng thực phẩm và gây hiểu lầm cho con họ. Họ cũng cho rằng nhân viên của công ty không được đào tạo về kiến thức sơ cứu, thông tin dị ứng và an toàn thực phẩm.

"Cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn tan vỡ. Mất con trai ở tuổi 19 là bi kịch tồi tệ nhất mà bất kỳ gia đình nào cũng có thể gặp phải. Việc mất con trong hoàn cảnh chúng tôi không thể ở bên để giúp đỡ rất khó chấp nhận. Mọi thứ càng tệ hơn khi tôi biết rằng con đã cố gắng hết sức để bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây hại", bà Bathia nói.

Bà cho biết Qayyum rất cẩn thận với chứng dị ứng của mình. Cậu luôn đọc kỹ thành phần của bất cứ thực phẩm nào, mang theo ống hen suyễn, EpiPen và thuốc kháng histamine. Khi đi làm, cậu cũng nói với đồng nghiệp về tình trạng của mình và hướng dẫn họ sử dụng EpiPen.

Bánh pudding đậu phộng thường được phục vụ tại nhiều nhà hàng, khách sạn ở Anh. Ảnh: Epicurious

Bánh pudding đậu phộng thường được phục vụ tại nhiều nhà hàng, khách sạn ở Anh. Ảnh: Epicurious

Đại diện pháp lý của gia đình Qayyum, công ty luật Leigh Day, cho rằng Love Holidays phải chịu trách nhiệm về sự tắc trách. Họ lập luận nếu công ty du lịch và các bên liên quan thực hiện đúng nghĩa vụ chăm sóc, Qayyum vẫn bảo toàn được tính mạng. Họ cáo buộc Love Holidays không xác định chất gây dị ứng cho khách, cung cấp sai thông tin và gây hiểu lầm cho nạn nhân về thành phần thực phẩm.

"Sự an toàn của khách hàng là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi đang khẩn trương tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng với khách sạn liên quan", phát ngôn viên của Love Holidays chia sẻ, cho biết thêm do gia đình Qayyum hiện đã chỉ định luật sư nên họ không thể cung cấp thêm bất kỳ bình luận nào.

Bà Bhatia cho biết gia đình chia sẻ câu chuyện để nhắn nhủ đến các công ty du lịch về việc đào tạo kỹ năng y tế cho nhân viên.

Các chuyên gia ước tính mỗi năm có 10 người Anh tử vong do dị ứng với thức ăn, 5.000 người phải nhập viện vì phản ứng nghiêm trọng. Dị ứng có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau, nghiêm trọng nhất là viêm đường thở, còn gọi là sốc phản vệ. Điều này có thể khiến người bệnh khó thở, thậm chí ngạt hoàn toàn, khiến cơ thể rơi vào tình trạng ngưng tim do thiếu oxy.

Trẻ em là nhóm dễ chuyển nghiêm trọng sau khi dị ứng, bởi cơ thể nhỏ. Lượng chất gây dị ứng nhỏ cũng có thể tạo ra vấn đề lớn. Dị ứng cũng thường được phát hiện từ thời thơ ấu. Lúc này, cha mẹ không có sẵn thuốc tiêm cấp cứu nếu xảy ra tình huống xấu.

Tại Anh, các gia đình có con dị ứng nhiều lần kêu gọi Chính phủ bổ nhiệm một quan chức y tế phụ trách lĩnh vực này để cải thiện Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), nâng cao nhận thức về căn bệnh, từ đó ngăn ngừa các ca tử vong có thể tránh được.

Qayyum là trường hợp mới nhất trong nhiều ca tử vong do dị ứng gây sốc. Trước đó, giới chức y tế ghi nhận Natasha Ednan-Laperouse, 15 tuổi, bị sốc phản vệ nghiêm trọng sau khi ăn bánh mì baguette có chứa hạt mè, trên một chuyến bay. Cái chết của thiếu nữ khiến các nhà lập pháp ban hành Luật Natasha, yêu cầu cung cấp thông tin dị ứng đối với thực phẩm được đóng gói sẵn.

Thục Linh (Theo Daily Mail)