Chị Trang có khối u tuyến giáp ác tính ở thùy trái kích thước 0,5 cm nhưng không điều trị, ăn uống kiêng khem với hy vọng "u tự biến mất". Khi xuất hiện triệu chứng nuốt vướng, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, kết quả ghi nhận u tăng kích thước 2 cm, ung thư tuyến giáp đã di căn hạch cổ (tức chưa di căn xa).
Ngày 13/12, ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nếu điều trị ở giai đoạn khu trú, thời điểm phát hiện ung thư 6 tháng trước, khả năng khỏi bệnh của chị Trang là 100%. Hiện u di căn hạch, tiên lượng điều trị khỏi và sống sau 5 năm khoảng 77%. Bác sĩ khuyên chị không nên trì hoãn điều trị nữa vì khi ung thư di căn đến xương, phổi, não thì cơ hội khỏi bệnh thấp. Lúc này, điều trị cần phối hợp hóa trị, xạ trị có thể làm suy giảm chức năng sinh sản.
Cụ thể, tuyến giáp tổn thương do ung thư cản trở quá trình rụng trứng, thụ thai. Điều trị bằng iốt phóng xạ, hóa trị, xạ trị đều ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và mang thai an toàn.
Chị Trang mong muốn điều trị khỏi ung thư và có thể sinh con bình thường, được bác sĩ lên phác đồ chữa ung thư đồng thời bảo tồn chức năng sinh sản. Chị được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ, hai tuần sau xét nghiệm lại để đánh giá nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể và uống iốt phóng xạ với một liều phù hợp.
Theo bác sĩ Trông, chị Trang cần dùng các biện pháp tránh thai trong 6-12 tháng sau khi uống thuốc iốt phóng xạ, khi các chỉ số điều trị an toàn thì có thể mang thai tự nhiên. Nhờ tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, một năm sau chị Trang thành công mang thai và duy trì lịch tái khám.
Chị Trang đã cắt toàn bộ tuyến giáp nên phải uống hormone tuyến giáp suốt đời. Trong thai kỳ, chị được bác sĩ Ngoại Vú và Sản khoa theo dõi sức khỏe để điều chỉnh liều hormone tuyến giáp phù hợp dựa trên cân nặng, nhu cầu, độ tuổi, mức độ đáp ứng và kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, thai nhi chưa tự sản sinh ra hormone tuyến giáp nên lấy từ người mẹ để nuôi dưỡng cơ thể. Do đó, bác sĩ tăng liều thuốc hormone tuyến giáp cao hơn so với bình thường cho thai phụ, nhưng không vượt mức cần thiết để tránh suy giáp hay cường giáp. Suy giáp có thể khiến thai phụ thiếu máu, tăng huyết áp, sảy thai, bị tiền sản giật. Cường giáp khiến thai nhi chết lưu, sinh non, dị tật tim bẩm sinh.
"Thuốc hormone tuyến giáp không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi", bác sĩ Trông nói. Mẹ con chị Trang vượt qua thai kỳ an toàn, bé chào đời vào tháng 9, đến nay khỏe mạnh.
Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ (ATA), ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ hơn so với các loại ung thư khác ở người lớn. Loại ung thư này phổ biến ở phụ nữ gấp gần ba lần so với nam giới. Tùy vào tình trạng ung thư, bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị khác nhau như cắt một thùy hoặc toàn bộ tuyến giáp cùng hạch cổ, hóa trị, xạ trị.
Ung thư tuyến giáp có khả năng tái phát tùy vào cơ địa mỗi người. Sau điều trị, người bệnh nên sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên vận động, tránh thức khuya, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Tái khám định kỳ để được kiểm tra, phát hiện bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |