Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), kết quả siêu âm, chụp MRI vùng bụng và bẹn cho thấy anh Tuấn chỉ có tinh hoàn bên trái. Xét nghiệm tinh dịch đồ không ghi nhận tinh trùng.
Anh Tuấn bị dị tật tinh hoàn ẩn hai bên bẩm sinh, năm 10 tuổi mới phát hiện bệnh và phẫu thuật, sau đó không tái khám. Vùng da bìu bên phải khá căng nên khó nhận biết. "Người bệnh có thể bị thiếu bên tinh hoàn phải do bẩm sinh hoặc cuộc phẫu thuật trước đó khiến phần tinh hoàn này bị thoái hóa hoặc cắt đi", bác sĩ Nguyễn Công Danh, đơn vị Nam học, lý giải.
Nam giới chỉ có một tinh hoàn vẫn có thể sinh con, song tình trạng anh Tuấn nặng hơn vì không có tinh trùng. Nguyên nhân có thể do chức năng sinh tinh đã bị suy giảm hoặc tắc nghẽn ống dẫn tinh. Anh Tuấn được thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về nội tiết, di truyền, đánh giá nguy cơ ung thư tinh hoàn. Kết quả chẩn đoán anh vô tinh do chức năng tinh hoàn trái bị tổn thương, các chỉ số tầm soát ung thư tinh hoàn trong giới hạn bình thường. Anh được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật vi phẫu micro-TESE với tỷ lệ tìm thấy tinh trùng để có con của chính mình là 40-50%.
Đầu tháng một, anh Tuấn được ThS.BS.CKII Dương Quang Huy, Trưởng đơn vị Nam học, IVF Tâm Anh, cùng bác sĩ Nguyễn Công Danh thực hiện vi phẫu tìm tinh trùng cùng lúc người vợ được chọc hút noãn (trứng) để thụ tinh ống nghiệm (IVF). Cuộc mổ gặp nhiều khó khăn do cấu trúc bên trong bìu của người bệnh thay đổi sau cuộc phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn lúc nhỏ, nhiều mạch máu, tổn thương viêm dính chằng chịt. Các bác sĩ bóc tách các phần viêm dính và kiểm soát các mạch máu, bộc lộ tinh hoàn để tiến hành thu thập những ống sinh tinh tiềm năng chuyển đến phòng labo bên cạnh.
Dưới hệ thống kính hiển vi đảo ngược độ phóng đại đến 300 lần, chuyên viên phôi học tìm thấy lượng tinh trùng đủ cho hai chu kỳ thụ tinh ống nghiệm. Lúc này, bác sĩ ngừng thu thập mô ống sinh tinh, tránh nguy cơ suy giảm chức năng sản xuất các nội tiết tố nam.
Sau phẫu thuật, anh Tuấn hồi phục tốt, các đánh giá chức năng sản xuất nội tiết của tinh hoàn ổn định, không ảnh hưởng đến khả năng sinh dục. Một nửa số tinh trùng được trữ đông giúp anh Tuấn có thêm con trong tương lai mà không cần phải phẫu thuật thêm. Số còn lại được thụ tinh cùng noãn của người vợ, phôi đang trong giai đoạn nuôi cấy.
Theo bác sĩ Danh, nam giới có tinh hoàn đơn độc thường do các nguyên nhân như bẩm sinh, phẫu thuật cắt một bên do tinh hoàn ẩn, chấn thương, áp xe tinh hoàn, ung thư... Tình trạng tinh hoàn ẩn như anh Tuấn xảy ra ở khoảng 3-4% trẻ sơ sinh nam và phổ biến hơn ở trẻ sinh non. Phần lớn trường hợp bị ẩn một bên, một số trường hợp trẻ bị ẩn cả hai bên. Nhiệt độ ở các vùng bụng, bẹn cao hơn so với vùng bìu khiến hoạt động của tinh hoàn dễ bị ảnh hưởng. Tinh hoàn ẩn cũng khiến cho việc kiểm tra gặp khó khăn, người bệnh có nguy cơ phát hiện ung thư tinh hoàn ở giai đoạn muộn.
Bác sĩ Danh khuyến cáo sau khi trẻ chào đời, phụ huynh nên chủ động thăm khám vùng kín cho con. Nếu nghi ngờ thiếu tinh hoàn cần đưa trẻ đến bệnh viện điều trị sớm. Trẻ bị bệnh cần được phát hiện và phẫu thuật ở thời điểm 6-12 tháng để tỷ lệ hồi phục cao nhất.
Nam giới từng mổ tinh hoàn ẩn nên khám định kỳ vùng kín, xét nghiệm loại trừ nguy cơ ung thư nhằm bảo đảm sức khỏe sinh lý và bảo toàn chức năng sinh sản.
Hoài Thương
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |