Có nên ngâm chân giữ ấm cho trẻ vào mùa đông?

Trả lời:

Tay chân là bộ phận máu lưu thông tới sau cùng. So với các vùng trung tâm như tim, phổi, gan thận..., tay chân thường có nhiệt độ thấp hơn. Vào mùa đông, nhiệt độ giảm sâu khiến các mạch máu ở tay chân co lại, giảm lượng máu lưu thông. Một số trẻ có thể ra mồ hôi tay chân làm thân nhiệt giảm nhanh hơn khiến các vị trí này càng lạnh. Đây là hiện tượng bình thường.

Ngâm chân trong nước ấm có tác dụng giữ ấm cơ thể, giãn các mạch máu vùng bàn chân, cải thiện tuần hoàn máu, giảm tình trạng lạnh chân tay, giúp trẻ thư giãn, ngủ ngon hơn. Áp dụng phương pháp này cho trẻ bị sốt có hiệu quả trong việc hạ nhiệt độ cơ thể hơn so với chườm nước thông thường. Tuy nhiên, làn da của trẻ mỏng manh, nhạy cảm, bé chưa thể tự ngồi vững nên dễ bị bỏng. Một số dược liệu ngâm chân có thể không phù hợp với da bé có thể gây kích ứng da. Vòm bàn chân trẻ nhỏ dưới 6 tuổi chưa phát triển đầy đủ. Nếu ngâm nước nóng lâu khiến các dây chằng ở vùng này mềm, dần giãn ra khi tiếp xúc với nhiệt, gây bất lợi cho sự phát triển bình thường của vòm bàn chân.

Trường hợp con bạn mới 4 tháng tuổi, không nên áp dụng phương pháp này. Bạn nên giữ ấm chân, tay cho trẻ bằng găng tay, tất, nên chọn tất được làm từ chất liệu tự nhiên, ưu tiên 100% cotton hoặc hỗn hợp cotton - len 50/50 để tránh gây bí.

Ngâm chân mùa đông chỉ nên áp dụng ở trẻ trên 6 tuổi. Khi thực hiện, phụ huynh cần lưu ý kiểm soát nhiệt độ của nước chỉ nên ở khoảng 37-40 độ C. Dùng nước sạch đun sôi pha với một chút muối hạt, gừng tươi để tăng cường tác dụng giữ ấm và kháng khuẩn. Nếu dùng các loại thảo dược khác cho trẻ nhỏ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đề phòng dị ứng. Dụng cụ ngâm chân có thể là thau, chậu bằng gỗ, sứ hoặc các chậu bằng điện chuyên dụng. Phòng nơi ngâm chân cần đảm bảo kín gió, đủ ấm, trẻ ngồi thoải mái trên ghế tựa.

Da trẻ nhỏ mỏng manh, nhạy cảm, khi ngâm chân cần cẩn trọng. Ảnh: Hải Âu

Da trẻ nhỏ mỏng manh, nhạy cảm, khi ngâm chân cần cẩn trọng. Ảnh minh họa: Hải Âu

Mẹ tránh đặt chân bé đột ngột vào nước ngay mà nên xông hơi trước rồi từ từ hạ chân xuống để đề phòng sốc nhiệt, phình hoặc vỡ mạch máu do chịu áp lực lớn trong thời gian ngắn. Người lớn nên để nước ngập đến cổ chân hoặc trên mắt cá chân trẻ khoảng 2 cm. Nước quá sâu có thể gây nguy hiểm nếu trẻ cử động mạnh. Người lớn cần giám sát trẻ trong quá trình ngâm chân để tránh con bị bỏng, nghịch nước hoặc trượt ngã.

Bé nên ngâm khoảng 5-10 phút để tránh làm khô da, nhiễm lạnh, rối loạn phân bố tuần hoàn của cơ thể, gây phản tác dụng. Mẹ theo dõi sát phản ứng của con trong quá trình ngâm chân. Nếu trẻ than nóng, khó chịu hoặc da đỏ quá mức, đổ mồ hôi đầm đìa khi vừa ngâm, cần dừng ngay, điều chỉnh nhiệt độ nước. Phụ huynh cũng cần quan sát kỹ xem trẻ có dấu hiệu kích ứng, khô da khi ngâm chân với thảo dược không.

Sau khi ngâm chân, trẻ cần nhanh chóng lau khô, ủ ấm chân vào chăn ấm, dưỡng ẩm để tránh khô da, nứt nẻ và đi tất sạch cho bé. Trẻ uống sữa hoặc nước lọc ủ ấm sau khi ngâm chân để nhanh chóng cân bằng nhiệt độ cơ thể.

Mẹ chỉ cho bé ngâm chân dưới ba lần mỗi tuần, ưu tiên vào buổi tối trước khi ngủ. Tránh ngâm chân trong vòng 30 phút sau bữa ăn do có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến hệ tiêu hóa, cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng. Trẻ đang bị sốt, mắc các bệnh lý ngoài da hoặc tổn thương vùng chân như vết thương hở, vết thương nhiễm khuẩn, chấn thương cấp tính... không nên áp dụng phương pháp này.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Trọng
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp