Có nên tháo que tránh thai do rong kinh?

Trả lời:

Que cấy tránh thai là que nhựa dẻo có kích thước bằng que diêm chứa hormone progestin. Khi que cấy vào vùng da dưới cánh tay, hormone ức chế quá trình rụng trứng, làm mỏng lớp niêm mạc tử cung, ngăn tinh trùng gặp trứng. Trường hợp tinh trùng gặp trứng tạo thành phôi, hormone progestin ngăn không cho phôi bám vào tử cung.

Trước khi cấy que, phụ nữ nên đi khám để chắc chắn không mang thai. Nếu phụ nữ thực hiện thủ thuật trong 5 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt thì sau khi cấy que tác dụng tránh thai ngay sau 24 giờ, kéo dài trong vòng ba năm. Trường hợp cấy que vào một thời điểm khác, cần 7 ngày để que tránh thai phát huy tác dụng.

Cấy que tránh thai là phương pháp ngừa thai hiệu quả nhưng có nhiều tác dụng phụ như rong kinh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nổi mụn, tăng cân... Hormone progestin phóng thích dần vào cơ thể tác động đến nội tiết tố, phát huy tác dụng ngừa thai. Do đó, trong khoảng thời gian đầu sau khi cấy que, tình trạng thay đổi chu kỳ kinh nguyệt có thể xảy ra như kỳ kinh dài hơn, ngắn hơn, rong kinh hoặc mất kinh.

Tùy vào mỗi người mà tình trạng rong kinh có thể dài ngắn khác nhau. Bạn cấy que bị rong kinh ba tháng là bình thường, không hiếm gặp. Nếu sau khi cấy que tránh thai, bạn bị rong kinh trong khoảng 6 tháng, máu kinh không quá nhiều thì không cần quá lo lắng. Bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tâm trạng vui vẻ để góp phần cân bằng nội tiết tố, hết rong kinh.

Bác sĩ khoa Sản Phụ khoa tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Bác sĩ khoa Sản Phụ khoa tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Rong kinh có thể kéo dài gây mất máu, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao, sụt cân và yếu ớt vì thiếu máu. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến đời sống chăn gối vợ chồng, khiến phụ nữ dễ bị viêm nhiễm, stress. Trường hợp tác dụng phụ sau cấy que tránh thai ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt hoặc kéo dài hơn 6 tháng, máu kinh ồ ạt và không có dấu hiệu kết thúc, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra. Những trường hợp không tương thích với phương pháp cấy que, bác sĩ thường tư vấn biện pháp tránh thai khác.

Sau khi cấy que tránh thai, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo chỉ định. Bác sĩ làm các kiểm tra cần thiết để loại trừ tình huống chống chỉ định.

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Nhung
Trung tâm Sản Phụ khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp