Cột sống người phụ nữ cong như chữ C

Bà Kiều, ngụ Quy Nhơn, đau lưng nặng lan xuống chân phải hơn hai năm qua ngày càng nghiêm trọng, đi xiêu vẹo, dùng thuốc và tập vật lý trị liệu không hiệu quả. Kết quả chụp MRI 3 Tesla tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy 7 đốt cột sống của bà bị biến dạng, cong vẹo, thoái hóa nghiêm trọng.

ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết cột sống của bà Kiều cong vẹo hẳn sang phải, các tổn thương chèn ép dây và rễ thần kinh gây đau nhiều và thay đổi dáng đi. "Nếu không mổ, người bệnh có nguy cơ cao mất khả năng vận động", bác sĩ Thắng nói, thêm rằng đây là ca mổ khó vì người bệnh lớn tuổi, loãng xương và có nguy cơ bệnh tim mạch.

Hình chụp MRI cho thấy cột sống người bệnh cong như chữ C (trái) và thẳng lại sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hình chụp MRI cho thấy cột sống người bệnh cong như chữ C (trái) và thẳng lại sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bà Kiều nhập viện trước mổ hai ngày để ổn định các chỉ số cơ thể, kiểm tra và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra. Các bác sĩ phẫu thuật giải ép thần kinh, làm cứng cột sống bằng vít rỗng bơm xi măng tránh nguy cơ gãy xương. Hệ thống chụp X-quang C-Arm được sử dụng suốt ca mổ giúp bác sĩ thao tác đúng vị trí tổn thương, theo dõi, đánh giá liên tục, đảm bảo độ chính xác và an toàn cao.

Vít rỗng là loại vít y tế rỗng ruột, có các lỗ nhỏ trên thân. Sau khi được bắt vào đốt sống, một lượng xi măng sinh học được bơm vào vít và tràn ra ngoài qua những lỗ nhỏ trên thân vít, bám chắc vào thân đốt sống, làm cứng thân đốt sống. "Số lượng 16 vít sử dụng trong một ca phẫu thuật cột sống là rất nhiều", bác sĩ Thắng cho biết.

Sau mổ, hình dáng cột sống người bệnh được điều chỉnh lại đến 90%, giảm đau đáng kể, chiều cao cải thiện và đi lại nhẹ nhàng. 7 ngày sau mổ, sức khỏe hồi phục tốt, bà xuất viện. Bà Kiều được chỉ định tập vật lý trị liệu và tiếp tục điều trị loãng xương nhằm cải thiện chất lượng cơ xương, đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

Bác sĩ Thắng hướng dẫn người bệnh đi lại trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thắng hướng dẫn người bệnh đi lại trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thắng cho biết lão hóa là nguyên nhân gây bệnh xương khớp phổ biến ở người cao tuổi. Quá trình lão hóa làm cho chất lượng xương giảm dần theo thời gian, trở nên giòn, xốp và yếu hơn. Vì vậy, cột sống không còn đủ sức mạnh để chịu lực, bị thoái hóa, cong vẹo.

Bà Kiều còn thường xuyên sinh hoạt sai tư thế. Ví dụ, bà hay ngồi xổm, nằm võng ngủ thường xuyên. Những thói quen này vô tình làm tăng áp lực lên cột sống, thúc đẩy bệnh phát triển nặng nề hơn.

Để phòng ngừa thoái hóa cột sống và các biến chứng nguy hiểm như cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống..., bác sĩ Thắng khuyến cáo sinh hoạt đúng tư thế, vận động nhẹ, phù hợp cho cột sống. Khám định kỳ hoặc ngay khi có biểu hiện đau lưng, cổ bất thường. Người có nguy cơ cao bị loãng xương như phụ nữ sau mãn kinh nên tăng cường canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, đo mật độ xương định kỳ.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp