Bà liên tục di chuyển sau khi thức dậy lúc 6 giờ sáng cho các cuộc hẹn, bao gồm ăn uống với bạn bè, dạy học và hát karaoke. Khi lên giường lúc 22h, giống như nhiều người trẻ tuổi khác, bà xem điện thoại di động cho đến khi ngủ thiếp đi sau nửa đêm. Dù chỉ ngủ 6 tiếng mỗi ngày, bà vẫn tỉnh táo và sẵn sàng cho một ngày năng động với các lớp học nhảy và hát.

Bà Rosalind Koh sinh hoạt trong đội cổ vũ người cao tuổi. Ảnh: CNA
Lịch học của bà kín mít trong tuần với các lớp học múa, học khiêu vũ, nhảy, dạy nhảy và hát cho người cao tuổi. Cuối tuần, bà học hát tại Hội Hải Nam vào thứ Bảy và học múa dân gian vào Chủ nhật. Vào buổi chiều bà hay chơi cờ, hát karaoke hoặc gặp gỡ ăn uống với bạn bè. Vào những buổi chiều khác, bà dạy tiếng Anh, hát hoặc nhảy cho người cao tuổi.
Bà Koh cho hay nhảy múa không chỉ là niềm đam mê lớn nhất, mà là cách để vận động và kết bạn. Bà nói: "Như vậy, tôi thuộc về một nhóm có cùng sở thích và có nhiều bạn bè. Nó cũng thúc đẩy tôi học hỏi vì tôi sợ bị mất trí nhớ. Và nó cho tôi lý do để ăn mặc đẹp".
Bà là thành viên lớn tuổi nhất trong đội cổ vũ gồm 60 người cao tuổi. Khi được hỏi về trang phục sặc sỡ, bà Koh cho hay: "Đôi khi, họ chê cách ăn mặc của tôi, nói: Ôi, bà già rồi không được mặc như vậy... Bà phải mặc màu tối, không thể hợp thời trang. Kiểu tóc của bà phải kiểu cổ điển và không được đeo hoa tai đẹp như thế này".
Gọi những người chỉ trích mình là "lỗi thời", bà Koh không bận tâm đến họ. Bà nói: "Tôi rất bận rộn khi làm việc ở độ tuổi 20 và 30, không có thời gian để vui chơi. Bây giờ là lúc để vui chơi. Bây giờ, tôi có thể làm những điều mình thích và thậm chí làm cho người khác hạnh phúc".

Bà Rosalind Koh trang điểm trước khi biểu diễn tại Lễ hội người cao tuổi thế giới ngày 8/4. Ảnh: CNA
Con trai và con gái bà, đều ở độ tuổi 50, và 4 cháu trai từ 13 đến 23 tuổi ủng hộ lối sống năng động của bà. Con trai sống cùng khu nhà với bà. Chồng bà mất 14 năm trước vì bệnh ung thư. "Điều quan trọng là tôi phải giữ cho mình năng động và khỏe mạnh vì như vậy, tôi đang giúp đỡ các con. Tôi không phải là gánh nặng của chúng", bà cho hay.
Dù luôn mạnh mẽ và tự tin, bà Koh vẫn có nỗi sợ. Bà không sợ chết mà sợ cô đơn. Bà nói: "Tôi sợ hoàn toàn cô đơn không có bạn bè, không có ai. Tôi đã quá quen với việc được mọi người vây quanh và ý nghĩ cô đơn thực sự khiến tôi lo lắng".
Sinh ra trong nghèo khó, bà Koh mất cha mẹ và ông bà vì bệnh ung thư trong vòng hai năm. Năm 16 tuổi, bà trở thành trụ cột của gia đình với ba em gái, người nhỏ nhất mới 5 tuổi. Bà nhớ lại: "Chúng tôi rất nghèo. Mẹ tôi nhặt cam rơi ven đường, cắt bỏ phần thối và cho chúng tôi ăn. Chúng tôi ăn bánh mì nhiều hơn bất cứ thứ gì khác".
Khi học năm thứ nhất tại Cao đẳng sư phạm, bà được hiệu trưởng một trường học giúp đỡ. "Ông ấy không quen biết tôi nhưng đã chăm sóc chúng tôi. Ông ấy mang đến thức ăn và sách vở, đảm bảo tôi hoàn thành khóa đào tạo giáo viên. Tôi mãi mãi biết ơn ông ấy", bà Koh chia sẻ.
Năm 19 tuổi, bà bắt đầu thực tập tại trường tiểu học McNair trong sáu năm. Sau đó, bà chuyển đến trường trung học cơ sở First Toa Payoh, rồi trường trung học cơ sở Ahmad Ibrahim, dạy tiếng Anh và văn học Anh. Năm 1980, bà chuyển đến trường trung học cơ sở Chai Chee và dạy ở đó 20 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2001.
Bà Koh là giáo viên tiếng Anh cấp hai gần 40 năm. Bà chia sẻ: "Khi nghỉ hưu, tôi sợ không có việc gì làm. Nhưng chẳng bao lâu sau tôi lại rất bận rộn". Cuốn sách bà yêu thích nhất là Giết con chim nhại của Harper Lee. Cựu học sinh khi gặp bà trên đường thường trích dẫn lại các câu trong sách. Bà Koh nói đùa rằng bà trông vẫn như xưa, nhưng học sinh đã lớn và thay đổi nhiều, đôi khi bà khó nhận ra họ.
Những bức ảnh bà cười rạng rỡ trong các chuyến du lịch đến Kashmir, Nhật Bản và Trung Quốc cùng gia đình, chị em gái và bạn bè được treo trên tường nhà, mỗi bức là một kỷ niệm bà trân trọng.
Đối với bà Koh, tuổi tác chỉ là con số. "Tôi không cảm thấy già chút nào. Có những người 50 tuổi nhưng cư xử như 80 tuổi và không muốn ra ngoài. Tôi đang sống hết mình, rất mãn nguyện và rất hạnh phúc", bà nói.
An Nhiên (Theo CNA)