Trả lời tờ Deadline hôm 22/12, đạo diễn Coppola kể mắc bại liệt vào năm 9 tuổi, điều trị tại bệnh viện 10 ngày. Khi đó, bệnh viện chật cứng trẻ em nhiễm bệnh, phải nằm ở hành lang với những chiếc xe đẩy xếp chồng lên nhau, cao 3-4 tầng. Nhiều em bé được bọc trong lá phổi sắt, khóc gọi cha mẹ vì sợ hãi.
"Tôi nhìn xung quanh, cố gắng ra khỏi giường rồi ngã xuống sàn, nhận ra mình không thể đi được", ông nhớ lại.
Khi khỏi bệnh, bác sĩ cho biết ông có thể sống lâu nhưng luôn phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, cha ông là Carmine Coppola, từ chối chấp nhận thông tin này. Ông tìm tới các phương pháp điều trị sau bại liệt, trong đó bệnh nhân thực hiện các bài tập nhẹ, để hồi phục cơ bắp. Nhờ đó, đạo diễn Mỹ dần khôi phục khả năng vận động, đi lại.
Theo Coppola, bệnh bại liệt có ảnh hưởng khủng khiếp. Hậu quả của bệnh bại liệt có thể kể đến gồm không thể thở, phải sử dụng một lá phổi sắt, hoặc không thể đi lại, bị liệt hoàn toàn. Hình ảnh bệnh viện chật kín trẻ em la hét ám ảnh ông đến ngày nay.
Trong bối cảnh Mỹ ghi nhận nhiều hành động chống vaccine, trong đó có vaccine bại liệt, Coppola nói: "Nhiều người không hiểu bại liệt là cơn sốt chỉ tấn công trong một đêm".
Ông cho rằng các hành động chống vaccine là vô lý, đi ngược lại với những nỗ lực xóa sổ bại liệt, tiêm chủng trong đại dịch. Những hành động này có thể khiến các virus, bệnh từng bị xóa sổ, sẽ quay trở lại một lần nữa.
Đạo diễn Francis Ford Coppola là một trong những nhà làm phim nổi tiếng thế giới. Ngoài năm giải Oscar, ông còn nhận sáu giải Quả Cầu Vàng, hai Cành Cọ Vàng và một BAFTA. Trong đó, tác phẩm Godfather (1972) nâng tên tuổi của Coppola lên tầm huyền thoại của làng điện ảnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bại liệt là bệnh có khả năng lây nhiễm cao, chủ yếu ảnh hưởng trẻ nhỏ. Bệnh tấn công hệ thần kinh, có thể gây liệt cột sống và hô hấp, một số trường hợp có thể tử vong. Trước khi có vaccine, bại liệt bùng phát thành dịch lớn, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, bại liệt trở thành căn bệnh đáng sợ nhất thế giới. Môt vụ dịch lớn ở thành phố New York năm 1916 gây ra hơn 2.000 người tử vong, vụ dịch nặng nề hơn tại Mỹ năm 1952 đã khiến 3.000 người tử vong. Nhiều người sống sót phải chịu di chứng suốt đời như nẹp chân, đi nạng, ngồi xe lăn, sử dụng thiết bị hỗ trợ thở gọi là "lá phổi sắt"...
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế năm 2016 thống kê tỷ lệ mắc tại Việt Nam năm 1957-1959 lên đến 126,4 trên 100.000 dân; tức cứ 200 ca sẽ có một trường hợp không hồi phục; 5-10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động.
Vaccine bại liệt dạng tiêm đầu tiên trên thế giới do bác sĩ Jonas Salk (Mỹ) và các cộng sự nghiên cứu, phát triển từ đầu những năm 1950. Ngày 12/4/1955, vaccine được chứng minh hiệu quả phòng bệnh bại liệt sau khi thử nghiệm trên người.
Hiện, thế giới có hai loại vaccine bại liệt gồm vaccine dạng uống đơn (OPV) và bất hoạt dạng tiêm (IPV). Tại Việt Nam, vaccine được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, miễn phí cho trẻ em toàn quốc. WHO khuyến cáo trẻ đã uống vaccine OPV đủ ba liều, cần sử dụng thêm một liều IPV tiêm trong lịch tiêm chủng thường xuyên, hoặc ở các chiến dịch tiêm bổ sung.
Chi Lê (Theo USA Today, Deadline)