Dấu hiệu cảnh báo tuần hoàn máu kém

Tuần hoàn máu là quá trình tim bơm máu giàu chất dinh dưỡng và oxy đi khắp cơ thể thông qua các mạch máu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, phòng ngừa các bệnh lý liên quan. Quá trình tuần hoàn có thể suy giảm do một số nguyên nhân như huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh động mạch ngoại biên hoặc tăng cân, lão hóa.

Khi tuần hoàn máu kém, một số bộ phận trên cơ thể có thể không nhận được chất dinh dưỡng cần thiết và có các biểu hiện dưới đây.

Giãn tĩnh mạch: Xảy ra khi tĩnh mạch phồng lên vì máu không lưu thông bình thường. Kết quả là dưới da xuất hiện những đường gân màu xanh tím, thường gặp nhất là ở chân. Ngồi hoặc đứng quá nhiều trong ngày cũng có thể khiến vấn đề trầm trọng hơn. Mang vớ nén hoặc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể khắc phục.

Chuột rút cơ bắp: Tình trạng này có thể xảy ra ở bắp chân, đùi hoặc mông. Cơn đau xuất hiện từng lúc, nhất là khi đang đi, ngồi nghỉ đỡ đau và đau trở lại khi đi tiếp. Đây là đặc trưng do tích tụ mảng bám dọc theo thành động mạch, cản trở dòng máu cung cấp cho chân.

Vết loét: Khi không được cung cấp đủ máu, da có nguy cơ xuất hiện các vết lở loét. Chúng có xu hướng lâu lành hoặc cũng có thể bị nhiễm trùng. Người bệnh chăm sóc vết thương, dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.

Tay chân lạnh: Người bị tuần hoàn kém có thể nhận thấy cảm giác lạnh khi chạm vào tay chân, nhất là ở ngón tay và ngón chân. Nhiệt độ ở các bộ phận này cũng thấp hơn so với thân nhiệt. Đôi khi da của người bệnh cũng hơi nhợt nhạt, xanh xao.

Tê và ngứa ran: Đây là những triệu chứng phổ biến do tuần hoàn kém, nhất là ở tay và chân. Những vùng không được cung cấp máu giàu oxy có cảm giác tê, đến khi máu bắt đầu chảy trở lại sẽ chuyển sang cảm giác ngứa ran.

Phù nề, sưng tấy: Tuần hoàn máu không hiệu quả cũng gây ra cục máu đông, làm tắc nghẽn mạch máu. Tình trạng này thường gặp ở cẳng chân (dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu) hoặc ở cánh tay hoặc bụng. Ở một số người, dù cục máu đông đã biến mất nhưng sưng, đau vẫn tiếp diễn do mạch máu bị tổn thương. Máu kém lưu thông cũng gây phù nề - hiện tượng chất lỏng tích tụ, hay xảy ra ở cánh tay và bàn chân. Người bệnh có thể bị sưng tấy, căng cứng và khó cử động.

Rối loạn cương dương: Lưu lượng máu ít đến cơ quan sinh dục hơn khiến nam giới khó duy trì sự cương cứng khi giao hợp, thường gặp hơn người bệnh tiểu đường.

Bảo Bảo (Theo WebMD, Health)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp