Dấu hiệu u não

U não hình thành do tăng trưởng bất thường của các tế bào trong não gồm u lành tính và ác tính. Các khối u não có thể phát triển từ bất kỳ thành phần nào trong hộp sọ như màng não, tế bào thần kinh (neuron), tế bào mạch máu não hoặc vị trí khác trong cơ thể di căn đến não.

ThS.BS Lê Văn Ngân, Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết não đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành các cơ quan khác của cơ thể. U não thường phát triển âm thầm, ít có biểu hiện hoặc các biểu hiện thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường, khiến người bệnh dễ bỏ qua. Nếu có các biểu hiện của u não có thể khác nhau tùy thuộc vào thể trạng của từng người bệnh, loại khối u và vị trí u.

Bác sĩ Ngân chỉ ra một số dấu hiệu u não thường gặp dưới đây.

Đau đầu có thể là biểu hiện của bệnh lý thông thường nhưng cũng có khả năng do u não. U não thường gây đau đầu với cường độ mạnh, tần suất lặp lại nhiều. Cơn đau thường không rõ vị trí cụ thể hoặc tập trung ở một vùng nhất định như trán, thái dương hoặc phía sau đầu. Đôi khi kèm theo buồn nôn, nôn mửa, không giảm sau khi uống thuốc giảm đau thông thường.

Cơn đau đầu do tăng áp lực nội sọ thường xuất hiện khoảng 4h-5h hoặc giữa đêm và đau tăng lên khi người bệnh hoạt động gắng sức. Nếu đau đầu kéo dài hoặc có xu hướng tăng dần về cường độ, người bệnh nên ghi lại tần suất và thời gian xuất hiện để cung cấp thông tin chi tiết cho bác sĩ.

Buồn nôn hoặc nôn xảy ra do u não làm tăng áp lực nội sọ, thường xảy ra sau khi ngủ dậy, kèm theo cảm giác mệt mỏi. Sau khi nôn, các triệu chứng đau đầu có thể giảm.

Thay đổi thị lực do u não làm tăng áp lực nội sọ kéo dài, gây tổn thương võng mạc mắt. Một số loại u não phát triển ở vùng giao thoa thị giác hoặc thùy chẩm có thể làm mất thị lực hoặc thị trường. Người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu nhìn đôi hoặc cảm giác có bóng đen trước mắt, mất khả năng tập trung vào các vật ở xa hoặc gần.

Bác sĩ Ngân khám cho người bệnh u não. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Ngân khám cho người bệnh u não. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Suy giảm trí nhớ và nhận thức. Người bị u não có thể mất tập trung, giảm trí nhớ ngắn hạn hoặc khó khăn xử lý các công việc. U não ở thùy trán có thể làm thay đổi hành vi, cảm xúc và khả năng ra quyết định, trong khi u ở thùy thái dương có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.

Ở người lớn, các dấu hiệu điển hình như trầm cảm, dễ cáu gắt, khó khăn trong việc ghi nhớ các dữ kiện hàng ngày, giảm khả năng tập trung, lẫn lộn... Dấu hiệu ở trẻ em có thể là học hành sa sút, hay quên, thiếu tập trung.

Co giật xảy ra do u não gây ra các bất thường trong hoạt động điện não. Đây là dấu hiệu của các u ở vùng thùy trán hoặc thùy thái dương. Thông thường cơn co giật thường đi kèm với rối loạn ý thức hoặc thay đổi hành vi. Co giật toàn thân hoặc khu trú (chỉ xảy ra ở một phần cơ thể), mất ý thức tạm thời, có thể kèm theo cắn lưỡi hoặc mất kiểm soát tiểu tiện. Sau cơn co giật, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi.

Theo bác sĩ Ngân, ngay khi có dấu hiệu của bất kỳ một cơn co giật nào, người bệnh nên được kiểm tra kỹ càng bằng điện não đồ (EEG) và chụp MRI sọ não để tìm nguyên nhân. Từ đó bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Yếu liệt hoặc mất cảm giác. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc vận động, yếu hoặc tê liệt ở một bên cơ thể. Điều này xảy ra do u chèn ép hoặc phá hủy các vùng não điều khiển vận động hoặc chi phối cảm giác. Biểu hiện cụ thể như khó khăn khi cầm nắm hoặc đi lại, cảm giác kim châm, mất cảm giác ở một bên cơ thể. Trong một số trường hợp, người bệnh cảm thấy mất thăng bằng, chóng mặt.

Để xác định vị trí và kích thước khối u, người bệnh cần được chụp MRI sọ não có tiêm thuốc đối quang từ. Với các u não ở vùng chức năng, bác sĩ có thể cần sử dụng các chuỗi xung cao cấp hơn để xác định xem u có xâm lấn vào vùng chức năng quan trọng của não hay không.

Điều trị u não phụ thuộc vào loại, kích thước, vị trí khối u cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các phương pháp thường gặp bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, sử dụng thuốc đích, liệu pháp miễn dịch hoặc kết hợp các liệu pháp.

Nếu những triệu chứng trên kéo dài, người bệnh nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa Thần kinh, Ung bướu khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Bác sĩ Ngân khuyến cáo duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với tia phóng xạ, hóa chất độc hại, khám sức khỏe định kỳ... để phòng ngừa u não.

Linh Đặng

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp