Dấu hiệu và cách khắc phục lạnh tử cung

Ảnh: commonhealth

Ảnh: commonhealth

Lạnh tử cung là gì?

Theo quan điểm của y học cổ truyền, hầu hết phụ nữ sinh ra đã có thể chất lạnh, cộng với thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh dẫn đến bị lạnh tử cung. Các biểu hiện của người phụ nữ có tử cung lạnh bao gồm đau bụng kinh nhiều, chướng bụng, thường xuyên thấy lạnh bụng, máu kinh ra theo cục và có màu sẫm, rối loạn kinh nguyệt, chân tay lạnh, dễ mệt mỏi và đau lưng.

Lạnh tử cung là một khái niệm trong y học cổ truyền, có nghĩa tử cung bị lạnh dẫn đến máu lưu thông kém và gây ra các triệu chứng trên. Tuy nhiên, y học Trung Quốc cho rằng nguyên nhân gây ra vấn đề này không chỉ từ tử cung, các phần khác trong cơ thể của phụ nữ, bao gồm ống dẫn trứng, buồng trứng... cũng có thể dẫn đến tình trạng trên.

Nguyên nhân lạnh tử cung

Tử cung lạnh có thể do cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Lạnh từ bên ngoài là do không khí lạnh xâm nhập vào cơ thể từ thói quen sinh hoạt, ăn uống như hấp thụ nhiều đồ sống, kem, salad, sashimi hoặc đồ uống lạnh. Các loại trái cây có tính hàn như dưa hấu, dưa đỏ và lê tuyết sẽ khiến lá lách và dạ dày bị lạnh. Khi không khí lạnh ngưng tụ ở lá lách và dạ dày sẽ ảnh hưởng đến tử cung gần đó.

Phụ nữ ăn kiêng quá mức để giảm cân cũng khiến tỳ thận không đủ khí huyết, ảnh hưởng đến sự lưu thông khí huyết trong toàn cơ thể, có thể gây cảm lạnh tử cung. Ngoài ra, các chi dưới của cơ thể con người đều có kinh mạch. Khi quần áo quá ngắn, chẳng hạn như thường xuyên mặc váy ngắn, quần đùi hoặc áo hở bụng, bụng hoặc chi dưới sẽ dễ bị cảm lạnh. Lúc này, không khí lạnh sẽ tràn vào tử cung theo các kinh mạch và tích tụ lại gây lạnh tử cung. Nếu bạn còn có thói quen xấu là ngồi lâu và ít vận động thì các vấn đề liên quan sẽ càng trầm trọng hơn.

Tác hại của lạnh tử cung

Lạnh trong tử cung có thể cản trở quá trình lưu thông máu, khiến máu ứ đọng, về lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, hội chứng lệch lạc nội mạc tử cung, thậm chí làm tăng nguy cơ vô sinh. Vì vậy, điều quan trọng là phải làm tốt công việc làm ấm và nuôi dưỡng tử cung.

Cách chăm sóc và khắc phục lạnh tử cung

Những phụ nữ bị lạnh tử cung tốt nhất nên tránh mặc quần short và váy ngắn, đặc biệt là người thường xuyên ngồi phòng máy lạnh cần chú ý giữ ấm phần thân dưới, nếu mặc váy, có thể khoác áo khoác lên đùi để giữ ấm, hoặc mặc quần legging.

Bác sĩ y học Trung Quốc Li Qianxian cho biết phụ nữ có thể chườm nóng lên bụng dưới, bao gồm chai nước nóng hoặc túi chườm nóng, để làm ấm tử cung. Nên chườm nóng thường xuyên vào phần bụng dưới rốn một tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt để cải thiện lưu thông máu cục bộ và cải thiện tình trạng lạnh tử cung, giảm đau bụng kinh.

Ngoài ra, nên ăn nhiều đồ ăn có tính ấm như thịt cừu, thịt gà, nhãn, bạch chỉ, dâu tây, quả óc chó, đậu đen và mè đen. Bạn có thể nấu món canh bạch chỉ, gừng và thịt cừu để làm ấm tử cung và cải thiện cơn đau bụng kinh. Chị em cũng nên tránh ăn đồ chiên, cay và các đồ ăn nóng khác, đồng thời nên tăng cường tập thể dục để máu lưu thông. Ngoài ra, nên chú ý giữ tâm trạng tốt, tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc và có lịch trình đều đặn.

Một số bài thuốc giúp làm ấm tử cung

Trà gừng đường đen

- Công dụng: Có tác dụng làm ấm kinh, tán hàn, cải thiện chứng lạnh tử cung

- Nguyên liệu: 3 lát gừng gọt vỏ, 40 gam đường nâu

- Cách làm: Đun sôi các nguyên liệu với 500 ml nước trong 10 phút, có thể được sử dụng trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.

Ngâm chân nước ấm với ngải cứu và gừng

- Công dụng: Thúc đẩy tuần hoàn máu, trừ cảm lạnh, ẩm ướt

- Nguyên liệu: 20 gam ngải cứu, 10 lát gừng bóc vỏ

- Cách làm: Cho các nguyên liệu vào nước, đun trên lửa lớn trong 10 phút, sau đó đổ vào chậu, thêm một lượng nước lạnh vừa đủ để nhiệt độ khoảng 40 độ C, ngâm chân trong 15 đến 20 phút. Nên ngâm liên tục từ 3 đến 5 đêm.

Hướng Dương (Theo Cigna)