Ngay cả khi đang khỏe mạnh hoàn toàn, việc ngủ đủ giấc mỗi đêm vẫn có thể là một thách thức với nhiều người. Một cuộc khảo sát gần đây do công ty công nghệ giấc ngủ Simba thực hiện trên 2.000 người trưởng thành cho thấy gần một phần ba số người tham gia gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ mỗi đêm.
Lisa Artis, Phó Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Sleep Charity, đối tác của Simba, cho biết việc khó ngủ sâu và phải thức giấc sớm bất thường có thể cảnh báo một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. "Thức dậy quá sớm là dấu hiệu cho thấy tuyến giáp hoạt động kém hoặc quá mức", bà Artis giải thích.
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở cổ, sản xuất các hormone có vai trò điều chỉnh quá trình trao đổi chất, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và mức năng lượng. Theo Quỹ Tuyến Giáp Anh (British Thyroid Foundation), bộ phận này "thậm chí còn ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận".
Tuyến giáp hoạt động kém, gây ra suy giáp, hoặc hoạt động quá mức, dẫn đến cường giáp. Cả hai tình trạng này đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, cường giáp – tức tuyến giáp hoạt động quá mức – thường là nguyên nhân. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thì nguyên nhân có thể là do suy giáp – tuyến giáp hoạt động kém.

Ảnh: Deposit Photos
Nghiên cứu của Simba cho thấy 18% người tham gia cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày. Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp sinh học, hay cơ chế điều hòa chu kỳ ngủ – thức. Mức hormone không đúng có thể làm gián đoạn nhịp sinh học, dẫn đến việc thức dậy vào sáng sớm.
Chuyên gia Artis cho biết, hormone cortisol giúp đánh thức cơ thể vào buổi sáng. Tuy nhiên, khi tuyến giáp hoạt động quá mức, phản ứng căng thẳng trở nên mất cân bằng, dẫn đến tình trạng thức dậy quá sớm kèm cảm giác bồn chồn.
Theo bà, điểm khác biệt giữa việc thức giấc sớm do rối loạn tuyến giáp và việc tỉnh dậy sớm một cách ngẫu nhiên nằm ở các triệu chứng đi kèm như: mệt mỏi kéo dài, tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân, cảm thấy lạnh hoặc nóng bất thường.
Chuyên gia này nói thêm các triệu chứng khác của vấn đề tuyến giáp có thể bao gồm kinh nguyệt không đều, đầu óc mơ hồ, đau nhức cơ bắp, da khô và thay đổi cảm giác thèm ăn.
Các triệu chứng liên quan đến tuyến giáp thường phát triển từ từ theo thời gian. "Chúng có thể khó nhận biết do trùng lặp với các tình trạng sức khỏe khác, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn", Artis nói thêm.
Nếu nghi ngờ có vấn đề về tuyến giáp, chuyên gia khuyến cáo nên thăm khám và làm xét nghiệm máu càng sớm càng tốt. "Chỉ với một xét nghiệm máu đơn giản, bác sĩ có thể phát hiện tình trạng tuyến giáp hoạt động kém hoặc quá mức. Vì vậy, nếu bạn gặp những dấu hiệu bất thường, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ", bà nói.
Theo Artis, các rối loạn tuyến giáp hoàn toàn có thể kiểm soát được. Bên cạnh điều trị y tế, một số thay đổi nhỏ trong lối sống cũng góp phần cải thiện đáng kể tình trạng này. Duy trì giờ ngủ cố định, tập thể dục đều đặn và ăn đủ 5 khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày giúp hỗ trợ quá trình điều hòa hormone.
Điều quan trọng là bạn phải chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong cảm giác của bản thân. Lisa Artis giải thích: "Thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại có vẻ chỉ là một sự phiền toái nhỏ, nhưng nếu nó xảy ra thường xuyên, có thể đó là một dấu hiệu quan trọng cho thấy có điều gì đó không ổn".
Artis khuyên không nên phớt lờ những dấu hiệu này. Việc phát hiện sớm tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém là vô cùng quan trọng. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, nó cũng làm chậm quá trình xử lý chất béo của cơ thể.
"Điều này có thể dẫn đến mức cholesterol cao và động mạch bị tắc, làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề tim mạch nghiêm trọng như đau thắt ngực hoặc thậm chí là đau tim. Xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp có thể giúp làm rõ tình trạng một cách rất đơn giản", Artis nói.
Hướng Dương (Theo Express)