Dị tật lõm ngực bẩm sinh tăng nặng tuổi dậy thì

Lõm ngực là dị tật bẩm sinh phổ biến, xảy ra khi có sự phát triển quá mức hoặc không cân bằng của các sụn sườn phía dưới, đẩy xương ức hướng vào bên trong gây lõm ngực. Trẻ thường được phát hiện dị tật này ngay sau sinh hoặc khi dậy thì.

Ngày 30/11, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các triệu chứng của Hùng tăng nặng khi dậy thì có thể chèn ép tim, phổi, cong vẹo cột sống, gây tâm lý tự ti cho trẻ. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp Nuss có hỗ trợ nội soi lồng ngực nâng xương ức cho người bệnh.

Theo bác sĩ Trọng, thời điểm thích hợp để phẫu thuật là 8-14 tuổi, tốt nhất dưới 12 tuổi. Ở độ tuổi này, xương lồng ngực còn mềm, độ đàn hồi cao, tạo hình dễ dàng, ít đau, hạn chế tái phát. Điều trị muộn hơn khi khung xương định hình, dù có gây tê hoặc gây mê hỗ trợ, bệnh nhân vẫn đau nhiều, nguy cơ đau mạn tính.

Trong ca mổ kéo dài khoảng hai tiếng, êkíp rạch hai đường nhỏ ở hai bên lồng ngực, đặt hai thanh kim loại đã được đo, điều chỉnh độ cong phù hợp dưới xương ức, nâng xương ức lõm lên. Dưới sự hỗ trợ của nội soi lồng ngực, các bác sĩ xác định chính xác vị trí, tránh gây tổn thương tim, phổi trong khi thao tác.

Bác sĩ Trọng (bên trái) cùng êkíp mổ nội soi đặt thanh nâng ngực cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trọng (bên trái) cùng êkíp mổ nội soi đặt thanh nâng ngực cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Để phẫu thuật chỉnh hình liên quan đến xương, lồng ngực... bệnh nhân được gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP). Theo ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga, khoa Gây mê hồi sức, người bệnh được phẫu thuật lõm ngực rất đau trong và sau mổ. Lồng ngực bị nâng lên đột ngột bởi các thanh kim loại, các cơ, xương, dây chằng căng ra.

"Gây tê mặt phẳng cơ dựng sống ESP giảm gần 95% cường độ đau trong 24 giờ đầu hậu phẫu", bác sĩ Nga nói, thêm rằng kết hợp thuốc giảm đau tĩnh mạch không morphin giúp người bệnh không bị ức chế hô hấp. Ngoài ra, cài đặt bơm tiêm tự động cho thuốc tê qua catheter ESP trong 5 ngày cũng duy trì nồng độ thuốc giảm đau nhất định trong cơ thể. Điều này ức chế các cơn đau do tập vật lý trị liệu, người bệnh vận động, thở tốt và hồi phục nhanh chóng.

Bác sĩ Nga (bên phải) gây tê mặt phẳng cơ dựng sống dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm, trước khi kíp mổ nâng ngực cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Nga (bên phải) gây tê mặt phẳng cơ dựng sống dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm, trước khi kíp mổ nâng ngực cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sau mổ, Hùng được chăm sóc trong phòng hồi sức, xuất viện sau 5 ngày. Người bệnh tập vật lý trị liệu hô hấp theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế vận động mạnh, mang vác vật nặng trong 1-3 tháng, tái khám định kỳ. Dự kiến 2-3 năm tới, khi xương ức ổn định theo khuôn tạo hình, Hùng được phẫu thuật rút thanh nâng ngực.

Dấu hiệu nhận biết ở hầu hết trẻ bị lõm ngực là xuất hiện vết lõm nhẹ ở ngực. Độ sâu của vết lõm rõ hơn khi trẻ ở tuổi vị thành niên, tiếp tục tiến triển xấu hơn khi trưởng thành.

Lõm ngực nhẹ thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, không điều trị, bệnh có thể gây đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim phổi, đẩy tim sang bên trái lồng ngực, làm giảm khả năng bơm máu, ảnh hưởng đến hoạt động thể lực, tâm lý của trẻ. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhi thường có biểu hiện tim đập nhanh, thở khò khè, ho, tức ngực, mệt mỏi, chóng mặt, hụt hơi, đuối sức khi tập thể dục, nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại.

Bác sĩ khuyến nghị người nhà theo dõi sức khỏe của con để phát hiện sớm triệu chứng bệnh, đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời. Phẫu thuật giúp hạn chế biến chứng ảnh hưởng sức khỏe, cải thiện thẩm mỹ, tâm lý cho trẻ.

Ngọc Châu

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp