Đĩa đệm nhân tạo có tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể không?

Trả lời:

Đĩa đệm nhân tạo là vật liệu y tế có cấu tạo từ kim loại hoặc kết hợp giữa kim loại và nhựa. Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo được áp dụng để điều trị các bệnh lý cột sống như thoát vị đĩa đệm, xẹp đốt sống... Phương pháp này thường được chỉ định nếu bệnh gây đau nhức mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống; hoặc điều trị bảo tồn trong 6 tháng nhưng không hiệu quả.

Sau khi được thay vào cơ thể, cùng với quá trình liền xương, đĩa đệm nhân tạo cần khoảng 3-6 tháng để trở thành một phần của cơ thể. Nếu không xảy ra bất thường, đĩa đệm nhân tạo sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể, không cần phẫu thuật lấy ra.

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đĩa đệm nhân tạo thường được thay bằng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (MISS). Bác sĩ mở lỗ nhỏ trên da, khoảng 3 cm và thay đĩa đệm qua ống nong. Trong quá trình phẫu thuật, hệ thống trang thiết bị được đưa vào sử dụng để tăng tính an toàn, hỗ trợ bác sĩ thao tác nhanh chóng như robot cảnh báo tình trạng chạm vào dây thần kinh, cánh tay C-Arm có khả năng chụp X-quang liên tục...

Phương pháp này còn có những ưu điểm như hạn chế tổn thương cơ, ít chảy máu, giảm đau đớn, nhanh hồi phục. Sau mổ, người bệnh hết đau, chuyển động của cột sống ổn định hơn, giảm khả năng thoái hóa ở các đốt sống liền kề... Thông thường, người bệnh có thể trở lại các hoạt động bình thường trong vài tuần; vận động mạnh như chạy bộ, trong thời gian sớm nhất là ba tháng.

ThS.BS Vũ Đức Thắng
Khoa Ngoại Cột sống
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp