Đói liên tục do bệnh gì?

Một số người sau khi ăn no vẫn cảm thấy đói hoặc đói nhanh hơn dù ăn cùng một lượng thức ăn với người khác. Tình trạng này thường do rối loạn chuyển hóa, chất lượng thức ăn chưa đủ dinh dưỡng, năng lượng nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý.

Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) khiến bạn mệt mỏi, lo lắng, thay đổi tâm trạng và đói mọi lúc. Điều này là do bệnh gây ra sự sản xuất quá mức hormone tuyến giáp thúc đẩy sự thèm ăn. Rối loạn chuyển hóa năng lượng cũng có thể xảy ra do cường giáp. Suy giáp hay cường giáp có thể kiểm soát bằng thuốc, phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai.

Lượng đường trong máu thấp hay hạ đường huyết là tình trạng không có đủ nhiên liệu hoặc glucose trong máu, dẫn đến mệt mỏi, yếu tay chân, chóng mặt. Hạ đường huyết thường xảy ra do đói, hoạt động thể chất quá sức. Bổ sung một lượng carbs phù hợp có thể cải thiện tình trạng này.

Mang thai. Một số bà bầu bị nghén, buồn nôn và chán ăn trong thai kỳ. Một số khác lại thèm ăn hơn bình thường và cảm thấy đói liên tục. Tình trạng này xảy ra do thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ. Ngoài ra, tốc độ trao đổi chất của cơ thể tăng trong thai kỳ nhằm hỗ trợ sự phát triển cho thai nhi. Trao đổi chất tăng khiến mẹ bầu thấy đói thường xuyên hơn.

Rối loạn lo âu. Căng thẳng, trầm cảm hay rối loạn lo âu, đều kích thích sản sinh ra nhiều cortisol hơn bình thường. Đây là một trong những hormone kích thích đói. Người mắc các tình trạng tâm lý này thường cảm thấy thoải mái, giải tỏa hơn khi được ăn. Để giảm căng thẳng trong cuộc sống, mỗi người nên sắp xếp cân đối giữa công việc và giải trí, nên đọc sách, nghe nhạc, tập yoga hoặc thiền giúp cải thiện tâm trạng.

Bệnh tiểu đường khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc tái tạo và chuyển hóa năng lượng. Ngoài ra, khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể giải phóng insulin nhiều hơn mức cần thiết, khiến bạn đói. Bên cạnh triệu chứng đường huyết cao gây cảm giác đói liên tục, bệnh tiểu đường còn khiến người bệnh khát nước, đi tiểu liên tục, sụt cân.

Mất ngủ hay ngủ không đủ giấc, rối loạn giấc ngủ làm thay đổi sự cân bằng của các hormone gây đói (leptin và ghrelin), gây đói liên tục kèm với cảm giác thèm ăn. Người hay mất ngủ có xu hướng tìm đến các món ăn vặt có nhiều calo và chất béo hơn để thỏa mãn cơn thèm ăn, không tốt cho sức khỏe.

Anh Chi (Theo WebMD)