Đột quỵ, gãy xương sườn do massage sai cách

"Không ai nghĩ massage cũng gây đột quỵ", người đàn ông nói hôm 19/11, sau khi sức khỏe cải thiện.

Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), người điều trị trực tiếp, nói đây là tác hại của massage không đúng cách.

Trước đó, bệnh nhân bị đau mỏi vai gáy, nhờ người đến nhà massage, xoa bóp cột sống lưng, cổ. Sau buổi đầu tiên, ông cảm thấy khỏe, thoải mái nên tiếp tục theo liệu trình. Đến buổi ba, ông thấy có biểu hiện yếu liệt, khó vận động, cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau 7 ngày điều trị, người bệnh được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tập phục hồi chức năng.

Theo bác sĩ, người bệnh bị đột quỵ do massage, xoa bóp không đúng cách gây bóc tách động mạch cột sống. Đây là nguyên nhân hiếm gặp trong các nguyên nhân gây đột quỵ não, với tỷ lệ khoảng 2%. Ngoài nguyên nhân do chấn thương đột ngột ở vùng cổ, vùng lưng thì các động tác bẻ, vặn cột sống sai cách có thể dẫn đến các chấn thương này.

Sau 8 tuần điều trị, bệnh nhân có thể đi lại bình thường, chỉ còn tê bì nhẹ ở tay.

Trường hợp khác, nam thanh niên 35 tuổi, ở TP HCM, bị đau lưng nên gọi người đến nhà massage, nắn khớp. Sau nửa ngày, anh thấy cơ thể mệt mỏi, sờ tay ra phía sau lưng tại các chỗ nắn có đau nhói, cảm giác bị trượt, lệch đốt sống ra ngoài. Kết quả X-quang phát hiện đốt sống ngực T5-T6 bị tổn thương nứt vỡ ngay khớp sụn sườn hai bên. Xương sườn số 10 bên trái bị gãy gần khớp sụn sườn. Khớp sụn sườn 11,12 bị tách toác so với các khớp khác.

Theo bác sĩ, bệnh nhân bị gãy xương sườn, cố định băng dính, nghỉ ngơi dài ngày. Tuy nhiên, tình trạng đau có thể kéo dài do lồng ngực phải hô hấp, xương sườn phải di động, không thể bó bột như xương tay hay chân.

Bác sĩ đang trị liệu cho người bệnh có vấn đề xương khớp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ đang trị liệu cho người bệnh có vấn đề xương khớp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Calvin Q.Trịnh, Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể HMR (TP HCM), cho biết số bệnh nhân trẻ đến khám do gặp các vấn đề liên quan đau cổ, vai gáy, gù, vai xệ, lệch vẹo cột sống... ngày càng tăng, nhưng đa số đều hiểu sai về cách điều trị bệnh xương khớp.

Nguyên nhân đau cơ xương khớp phổ biến nhất là mất cân bằng cơ xung quanh ổ khớp, chỉ có một số nhóm cơ được sử dụng nhiều hơn do sai tư thế, sử dụng máy tính hay điện thoại thường xuyên. Lâu dài, chúng gây lệch trọng tâm khớp, trục khớp, dẫn đến đau khớp, tổn thương sụn khớp, thoái hóa. Khi massage, vật lý trị liệu, dùng nhiệt, hồng ngoại hay sử dụng thuốc giảm đau, giãn cơ..., mọi người cảm thấy dễ chịu tạm thời, sau đó cơn đau sẽ quay trở. Chưa kể, điều trị sai cách khiến bệnh diễn biến nặng, biến chứng lâu dài hơn.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên lạm dụng phương pháp massage, xông hơi, giác hơi, bấm huyệt. Bởi, những động tác có tác động lực không phù hợp như trên sẽ gây ra tổn thương cơ xương khớp, dây chằng, cột sống, tổn thương mạch máu, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ. Nắn chỉnh, bẻ khớp cũng có thể gây chèn ép phần tủy tại cổ, gây biến chứng thần kinh, liệt tứ chi.

Nếu bị đau lưng, đau cổ vai gáy thì nên đi khám để xác định xem có mắc bệnh lý hay không để có phác đồ điều trị phù hợp. Tuyệt đối không đi massage, xông hơi sau khi uống rượu, làm tăng nguy cơ chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mất nước, mệt mỏi nhiều.

Người dân chỉ nên massage ở những cơ sở uy tín như khoa, phòng khám phục hồi chức năng, người thực hiện đã được cấp chứng chỉ chuyên môn. Không xoay, bẻ, tác động lực lớn tại khu vực cột sống cổ, lưng. Sau khi massage, cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, đau nhiều, choáng váng cần đi khám ngay.

Thùy An