Dùng thuốc 'bổ não' vô tội vạ

Mỗi năm, bà Ngọc, ở Đống Đa, tiêm bổ não 2 lần, mỗi đợt 3-5 ống, chi phí gần chục triệu đồng, do một phòng khám tư nhân cung cấp. Người đến tiêm nói "thuốc dùng cho bất kỳ người nào có triệu chứng đau đầu, suy giảm trí nhớ, không cần phải kê đơn".

Không chỉ tiêm cho bản thân, người nhà bị đau đầu, mệt mỏi, nhớ nhớ quên quên, bà Ngọc cũng giới thiệu tiêm cùng. Mới đây, kiểm tra sức khỏe tổng thể, khi nghe bà cho biết thường tiêm bổ não tại nhà, bác sĩ khuyến cáo cẩn trọng vì bất cứ loại thuốc nào cũng có chống chỉ định hay tác dụng phụ, kể cả thuốc bổ. Không thấy cơ thể bị ảnh hưởng, người phụ nữ vẫn tiếp tục tiêm "không bổ ít cũng bổ nhiều", cho đến khi nhập viện do rối loạn tiền đình.

Linh, 32 tuổi, làm kế toán, cũng dùng sản phẩm bổ não do áp lực công việc, căng thẳng thần kinh, khiến cô thiếu tập trung, đôi khi đau đầu chóng mặt. Linh tham gia vào hội mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm thuốc bổ não - tăng cường trí nhớ, để tìm hiểu thông tin. Thấy nhiều người chia sẻ triệu chứng giống mình và dùng viên bổ não đã cải thiện, Linh mua loại viên uống có thương hiệu nước ngoài, giá 450.000 đồng, được quảng cáo "bổ não dành cho người hay bị đau đầu, mất ngủ, nhân viên văn phòng làm việc căng thẳng".

Mỗi ngày Linh uống 2 viên sau ăn, kiên trì uống 2 hộp nhưng tình trạng không cải thiện. Đi khám, Linh được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiền đình - căn bệnh chủ yếu ở tuổi trung niên và người già, song nay càng trẻ hóa. Đây là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 và các đường kết nối của nó hoặc động mạch nuôi dưỡng não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền và xử lý thông tin của hệ thống tiền đình ở người trẻ tuổi. Kết quả là cơ thể người bệnh trở nên mất cân bằng, gây ra các triệu chứng như loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn.

Linh sau đó được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị và áp dụng một số phương pháp vật lý trị liệu nhằm cải thiện triệu chứng, hỗ trợ phục hồi chức năng tiền đình.

Nhân viên nhà thuốc đang tư vấn việc sử dụng thuốc cho một bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên nhà thuốc đang tư vấn sử dụng thuốc đúng cách cho một bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần

Với tâm lý "bổ thì không hại", nhiều người tìm đến các loại thuốc "bổ não", "dưỡng não", thuốc tăng cường tuần hoàn não, các loại vitamin khi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ở nhiều gia đình, con cái mua biếu bố mẹ các loại thuốc trên với hy vọng ngăn ngừa suy giảm trí nhớ, lú lẫn tuổi già. Học sinh, sinh viên học hành, thi cử căng thẳng cũng được cha mẹ mua cho sử dụng các loại thuốc "bổ não" để tăng cường trí nhớ, tập trung.

"Sử dụng thuốc bổ não tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể gây ra nhiều tác dụng phụ", BS.CKI Lê Đình An, Khoa Nội thần kinh, Viện thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói, thêm rằng về nguyên tắc tất cả thuốc cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ, kể cả thuốc bổ.

Theo bác sĩ An, trong Tây y không có khái niệm "thuốc bổ não", chỉ có khái niệm các thuốc bổ sung dưỡng chất, tăng cường chức năng tế bào thần kinh; bổ sung các vitamin, khoáng chất, tăng lưu lượng máu não hoặc làm giảm triệu chứng như mất ngủ, lo lắng, chóng mặt. Tương tự, trong Đông y cũng không có khái niệm thuốc bổ não.

Những thuốc này được chỉ định theo từng bệnh chuyên biệt. Bác sĩ An ví dụ, bệnh nhân chóng mặt, dùng thuốc giảm triệu chứng chóng mặt như Tanganil, Betaserc. Người bệnh bị giảm trí nhớ dùng các thuốc như Donezepil, Giloba., khi rối loạn lo âu dùng các thuốc chống lo âu, trầm cảm như Sertralin, Paroxetin. Người thiếu chất nào thì cần bổ sung các chất tương ứng.

"Vì vậy, chỉ định dùng thuốc gì, liều lượng, thời gian sử dụng, đều do các bác sĩ chuyên khoa quyết định tùy thuộc từng trường hợp cụ thể", bác sĩ An nói.

Thực tế, hầu hết loại bác sĩ giới thiệu trên là thuốc điều trị bệnh, không phải thuốc phòng bệnh, nên dùng dự phòng trước ít có giá trị. Bên cạnh đó, nhiều thực phẩm chức năng chưa được nghiên cứu đầy đủ, theo dõi chặt chẽ như thuốc, do đó tiềm ẩn những tác dụng phụ nguy hiểm.

Bác sĩ An cho rằng sai lầm mọi người hay gặp phải là lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng, "coi nó như thức ăn", uống duy trì hàng ngày, kéo dài. Điều này nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, khiến chúng làm việc quá tải, đặc biệt, gan, thận... Thực tế, bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp dùng thuốc sai mục đích, chỉ định, hoặc dùng kéo dài dẫn đến suy gan, suy thận, phải lọc máu, nguy kịch tính mạng. Bộ Y tế đã quy định, kê đơn thực phẩm chức năng riêng để hạn chế những trường hợp bệnh nhân lạm dụng nhầm lẫn với thuốc.

Để đánh giá các tổn thương não bộ, cần đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để khám, tìm nguyên nhân cụ thể như đột quỵ não, rối loạn tiền đình, thoái hóa cột sống cổ, hoặc khoa tâm thần về các bệnh như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu... Từ đó, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.

Ăn uống lành mạnh để não bộ khỏe. Hạn chế đồ uống có chất kích thích, thực phẩm chế biến sẵn. Bổ sung các sản phẩm thực phẩm tốt cho máu và hệ thống tuần hoàn để hỗ trợ mạch tim khỏe mạnh, từ đó cải thiện lưu thông máu đến não và toàn bộ cơ thể. Các thực phẩm giàu sắt, chất chống oxy hóa, omega-3, canxi và axit béo sẽ rất có lợi cho tuần hoàn máu não như thịt bò, hải sản, rau cải xanh, cải bó xôi, cần tây; bột ngũ cốc nguyên hạt, các loại hoa quả.

Bác sĩ khuyên nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn trong ngày tránh căng thẳng mệt mỏi. Luyện tập thói quen tốt như đọc sách, chơi trò chơi mang tính logic gồm chơi cờ, giải đố. Tập các bài tập tùy theo tình trạng cơ thể, vận động vùng cổ vai. Kiểm soát các bệnh nguy cơ như béo phì, mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Lê Nga