Giảm 5 kg mỡ sau hai tháng

Trước khi sinh con, chị Lan cao 1,57 m, nặng hơn 40 kg. Trong những tháng cuối thai kỳ, cơ thể thay đổi nhanh, chị tăng cân không kiểm soát, rạn da nhiều, sau sinh tăng từ 61 kg lên 70 kg. Con ba tuổi, chị áp dụng nhiều biện pháp giảm cân như ăn kiêng, đạp xe 20-25 km mỗi ngày, chỉ uống sữa hạt và nước đỗ đen rang, ăn lạc. Ban đầu chị giảm 5 kg trong một tháng nhưng chóng mặt, phải truyền dịch, trở lại chế độ ăn bình thường nên tăng 7 kg.

Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh kiểm tra, chị nặng 67 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) 27,1. Ngày 7/1, BS.CKII Vũ Thùy Thanh, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết chị Lan bị béo phì độ một, thừa 16 kg mỡ toàn thân, trong đó mỡ nội tạng 144,2 cm2.

Bác sĩ Thanh giải thích mỡ trong cơ thể chia thành hai dạng là mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Mỡ dưới da chiếm 90% lượng mỡ trong cơ thể, ở cánh tay, bụng, đùi, mông... Mỡ dưới da quá nhiều ảnh hưởng xấu đến ngoại hình và sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như viêm mỡ dưới da. Mỡ nội tạng nằm trong khoang bụng, bao bọc, bảo vệ gan, dạ dày, đường ruột... và dự trữ năng lượng. Chỉ số mỡ nội tạng hơn 100 cm2 có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làm tăng khả năng mắc nhiều bệnh mạn tính. So với tích tụ mỡ dưới da, tích tụ mỡ nội tạng nguy hiểm hơn do có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan nội tạng.

Thạc sĩ dinh dưỡng Trần Quyền An, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, đánh giá chế độ ăn của chị Lan thiếu cân đối khi chỉ tập trung vào thực phẩm chay, thiếu protein dẫn đến tình trạng mất cơ. Các phương pháp giảm cân cực đoan như nhịn ăn, tập luyện cường độ cao mà không có chế độ dinh dưỡng phù hợp khiến cơ thể mất cân bằng, gây hiệu ứng yo-yo, tức tăng cân nhiều hơn khi ngừng thực hiện. Tình trạng này thường xảy ra khi áp dụng các biện pháp giảm cân quá gấp gáp và cực đoan. Cơ thể bị mất cơ, trao đổi chất chậm lại, dẫn đến tích mỡ nhanh hơn khi quay lại chế độ ăn bình thường.

Bác sĩ Thanh tư vấn phác đồ điều trị cho chị Lan. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thanh tư vấn phác đồ điều trị cho chị Lan. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo thạc sĩ An, người bệnh có tiền sử u tuyến, nội tiết thay đổi nên cần có chế độ ăn uống, tập luyện riêng để giảm cân. Chế độ dinh dưỡng cần được tư vấn phù hợp với thể trạng, đảm bảo nhu cầu protein và vi chất dinh dưỡng, tuy nhiên hạn chế năng lượng để đảm bảo thâm hụt năng lượng. Chị Lan có thói quen ăn đồ chiên rán nên bác sĩ hướng dẫn chế biến thực phẩm bằng nồi chiên không dầu nhằm hạn chế chất béo. Mỗi khi ăn, chị chụp ảnh lại để thạc sĩ An theo dõi. Người bệnh được kê thuốc điều trị béo phì để tự tiêm tại nhà.

Sau hai tháng điều trị kết hợp vận động nhẹ nhàng và ăn uống đủ chất, chị giảm 5 kg mỡ toàn thân, BMI xuống 25, mỡ nội tạng còn 126,6 cm2, sức khỏe ổn định, hoàn toàn không cảm thấy mệt mỏi.

Máy InBody có khả năng đo khối lượng mỡ thừa và diện tích mỡ nội tạng (đơn vị cm2) và lượng cơ trong cơ thể. Để xác định thể tích và khối lượng mỡ nội tạng cần thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên biệt như Dexa scan.

Bác sĩ Thanh khuyến cáo người béo phì, nhất là người có bệnh nền như rối loạn tuyến giáp cần đi khám để được điều trị theo phác đồ phù hợp, không tự ý áp dụng các biện pháp giảm cân cực đoan vì có thể nguy hiểm. Giảm cân cần kiên trì, tuân thủ chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học để đạt hiệu quả bền vững.

Tuấn Đạt

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp