Hôm 19/2, mạng xã hội lan truyền đoạn video một cô gái ở Hà Nội đang cùng bạn bè, gia đình tổ chức tiệc sinh nhật thì bất ngờ quả bóng trên tay cô phát nổ do tiếp xúc với nến. Theo phản xạ tự nhiên, cô gái hét lớn và vội quăng chiếc bánh sinh nhật xuống sàn rồi bỏ chạy. Vụ tai nạn khiến cô bị bỏng ở một bên mặt, cổ và cánh tay. Cô gái hiện vẫn trong quá trình điều trị và phục hồi.
Đây không phải lần đầu tiên có người bị bỏng vì bóng bay bơm khí hydro. Tháng 5/2022, một thiếu nữ 15 tuổi ở tỉnh Tuyên Quang đang dỡ chùm bóng bay chứa khí hydro để trang trí thì bóng phát nổ, khiến nạn nhân bỏng vùng mặt và hai cánh tay. Tháng 2/2023, một bé gái 4 tuổi ở Bắc Giang bỏng bàn tay mức độ ba do cầm quả bóng hydro trên tay, không may bóng phát nổ.
Trước đó, hôm 18/2, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, tiếp nhận một bệnh nhân nam 63 tuổi trong tình trạng nguy kịch do nổ bình khí hydro khi bơm bóng bay. Cú nổ mạnh khiến bệnh nhân hôn mê sâu, cơ thể chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng. Sau quá trình thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đa chấn thương, bao gồm chấn thương sọ não cùng nhiều tổn thương nặng ở chi thể.

Bóng bay thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, trang trí, nhưng tiềm ẩn nguy cơ khi người bán dùng khí hydro. Theo Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, hydro là chất khí rất dễ bắt cháy, là nguyên nhân gây nhiều vụ nổ công nghiệp hoặc cháy nổ trong sinh hoạt.
Khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay. Hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh nếu gặp nhiệt độ cao, nguy cơ gây bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay cho người cầm. Các bác sĩ khuyến cáo không sử dụng bóng bay bơm khí hydro. Khi mua bóng bay, ưu tiên loại sử dụng khí helium – chất khí trơ, không cháy nổ.
Tuy nhiên, hơn 90% bóng bay trên thị trường hiện nay được bơm hydro thay vì helium. Lý do là khí helium rất hiếm, giá thành cao hơn hydro gấp 4 lần, vì thế người bán vẫn bơm hydro vào quả bóng để tối ưu chi phí.
Các vụ nổ bóng bay thường nguy hiểm cho những người đứng gần. Khi bóng phát nổ có thể bỏng da tay, da mặt là những vị trí nhạy cảm. Vì thế, để đảm bảo an toàn, không nên mang bóng bay vào nhà bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gần nến, bật lửa, bếp gas, tia lửa điện hoặc nguồn nhiệt gặp không khí nóng có thể phát nổ, gây hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra khi cầm bóng bay ngoài trời nắng cũng có thể phát nổ, rất nguy hiểm. Các chuyên gia khuyến nghị tuyệt đối không thả bóng bay gần dây điện để đảm bảo an toàn. Hạn chế để trẻ nhỏ chơi với bóng bay chứa hydro, đặc biệt là trong nhà hoặc khu vực kín.
Trong trường hợp xảy ra nổ bóng bay, người dân cần bình tĩnh, tránh hoảng hốt gây thêm cháy nổ. Khi bị bỏng, nên hạ nhiệt vết thương cho nạn nhân bằng nước sạch, mát (16-20 độ c) trong khoảng 15 đến 20 phút, sau đó che phủ tạm thời và đưa đến viện càng sớm càng tốt để được điều trị đúng cách.
Hướng Dương