Anh Nguyễn Quang Hoàng Hà, du học sinh Australia, cao 1,78 m, tăng từ 95 kg lên 110 kg trong hai năm, ăn kiêng, tập thể dục để giảm cân song dễ tăng cân trở lại. Trong đợt nghỉ về Việt Nam, anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội điều trị béo phì. Kết quả kiểm tra cho thấy chỉ số khối cơ thể (BMI) 34,8, tức béo phì độ hai, mỡ nội tạng 160,3 cm2, anh còn bị mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, axit uric tăng 534 µmol/L (chỉ số bình thường 202-416 µmol/L).
Ngày 4/1, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết tăng 25 kg trong vòng hai năm là tình trạng nguy hiểm, bởi cơ thể cần phải thích nghi với sự thay đổi lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển hóa và khả năng vận động. Khi cân nặng tăng nhanh, mô mỡ tích tụ chủ yếu ở bụng và nội tạng, tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu, đái tháo đường...
Bác sĩ chỉ định thuốc điều trị chuyên dụng, kết hợp tư vấn điều chỉnh dinh dưỡng, vận động cho anh Hà. Chế độ ăn cân bằng các nhóm dưỡng chất, không loại bỏ hoàn toàn nhóm thực phẩm nào. Người bệnh được yêu cầu hạn chế tiêu thụ tinh bột, thực phẩm nhiều dầu mỡ, tăng cường rau xanh, protein nạc để duy trì khối cơ.
Theo bác sĩ Ngọc, người bệnh cần đảm bảo giảm cân song song với phục hồi khả năng vận động, tăng cường sức bền và duy trì khối cơ. Từ đó cơ thể thích nghi tốt hơn, tránh tăng cân trở lại sau khi ngừng điều trị.
Sau 6 tuần điều trị theo phác đồ, anh Hà giảm được 8 kg, mỡ nội tạng giảm xuống 146,4 cm2. Các chỉ số xét nghiệm gan, mỡ máu đều cải thiện đáng kể như men gan AST từ 106 còn 84 U/L (chỉ số bình thường dưới 40 U/L), chỉ số phát hiện tổn thương gan (ALT) giảm từ 219 xuống 127 U/L (bình thường ≤ 41 U/L). Chỉ số mỡ máu LDL-C còn 3,15 so với trước đó là 3,75 mmol/L (bình thường ≤ 3,4 mmol/L), axit uric về mức bình thường 225 µmol/L.
Theo bác sĩ Ngọc, béo phì ở người trẻ có xu hướng gia tăng, chủ yếu do thói quen ăn uống không lành mạnh, lối sống ít vận động, căng thẳng. Người thừa cân, béo phì không tự ý dùng thuốc hay giảm cân theo các hướng dẫn trên mạng xã hội, nhịn ăn cực đoan. Các phương pháp này dễ gây rối loạn chuyển hóa, suy nhược cơ thể, thiếu hụt vitamin và khoáng chất thiết yếu. Nhịn ăn kéo dài có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, suy giảm chức năng gan, thận và rối loạn nhịp tim.
Người bệnh béo phì cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi các chỉ số sinh hóa nhằm phát hiện sớm các bất thường. Bác sĩ theo dõi chặt chẽ và can thiệp khi cần thiết trong quá trình điều trị béo phì.
Tuấn Đạt
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |