Làm gì nếu muốn có con sau thời gian tránh thai

Nhiều người lo ngại các biện pháp tránh thai từng sử dụng có thể ảnh hưởng đến khả năng có con hoặc gây mất nhiều thời gian hơn để thụ thai. Tiến sĩ, bác sĩ sản phụ khoa Jill Purdie tại bang Georgia, Mỹ, giải thích những câu hỏi thường gặp liên quan đến vấn đề này.

Mất bao lâu để có thai sau khi ngừng tránh thai?

Mỗi người có thời gian thụ thai khác nhau, nhưng nhìn chung sử dụng biện pháp tránh thai bằng hormone không ảnh hưởng đến thời gian thụ thai. Phụ nữ vẫn có thể thụ thai thành công chỉ sau hai tuần ngừng sử dụng thuốc tránh thai, vòng tránh thai, miếng dán và que cấy. Do đó, quan niệm không thể có thai trong tháng đầu tiên ngừng biện pháp tránh thai bằng hormone là chưa đúng.

Tuy nhiên, thuốc tránh thai bằng đường tiêm có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong thời gian dài hơn, ngay cả sau khi đã ngừng dùng thuốc. Mỗi mũi tiêm có tác dụng trong ba tháng, nhưng có thể mất thêm 3-6 tháng nữa khả năng sinh sản mới hồi phục.

Cơ hội thụ thai sau khi ngừng thuốc tránh thai thế nào?

Sử dụng thuốc tránh thai ít khi tác động lâu dài nào đến khả năng sinh sản. Ngoài biện pháp tránh thai, khả năng đậu thai còn chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, bao gồm thời điểm quan hệ, sức khỏe tổng thể của vợ chồng, các vấn đề hormone, cơ quan sinh sản, chất lượng tinh trùng của người chồng cũng như yếu tố may mắn.

Nhìn chung, các cặp đôi khỏe mạnh có khoảng 25% cơ hội mang thai trong mỗi chu kỳ. Nhiều đôi phải cố gắng thụ thai trong vài tháng mới thành công, dù họ có sử dụng thuốc tránh thai bằng hormone hay không. Nếu muốn tăng tối đa cơ hội mang thai sau khi ngừng tránh thai, các đôi nên ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, chất kích thích. Bổ sung axit folic hằng ngày để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh cho trẻ.

Lối sống lành mạnh, quan hệ đều đặn tăng khả năng thụ thai thành công. Ảnh: Ngọc Phạm

Lối sống lành mạnh, quan hệ đều đặn tăng khả năng thụ thai thành công. Ảnh: Ngọc Phạm

Khi nào nên ngừng tránh thai nếu muốn mang thai?

Phụ nữ nên ngừng dùng biện pháp tránh thai bằng hormone vào thời điểm sẵn sàng mang thai. Khi tháo vòng tránh thai, nữ giới có thể có thai gần như ngay lập tức, tùy thuộc vào thời điểm trong chu kỳ kinh mà vòng tránh thai được tháo ra. Với người sử dụng thuốc tiêm tránh thai, khoảng thời gian có thai có thể dài hơn.

Các biện pháp kiểm soát sinh sản ảnh hưởng khác nhau thế nào?

Các nghiên cứu cho thấy các phương pháp kiểm soát sinh sản khác nhau có tác dụng hơi khác nhau đối với khả năng sinh sản sau khi ngừng sử dụng. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy người ngừng dùng thuốc tránh thai bằng nội tiết tố thường hồi phục khả năng sinh sản sau khoảng ba chu kỳ kinh nguyệt, còn người sử dụng vòng tránh thai mất khoảng hai chu kỳ. Những người sử dụng thuốc tiêm tránh thai mất nhiều thời gian nhất để có thể mang thai, khoảng 5-8 chu kỳ kinh nguyệt.

Dấu hiệu rụng trứng sau khi ngừng tránh thai là gì?

Để thụ thai thành công, buồng trứng cần giải phóng trứng trở lại. Rụng trứng thường xảy ra khoảng hai tuần trước kỳ kinh nguyệt, dù chu kỳ có thể không đều ngay sau khi ngừng dùng biện pháp tránh thai. Các dấu hiệu điển hình bao gồm tăng chất nhầy cổ tử cung, đau vùng chậu và bụng, tăng ham muốn tình dục, ngực nhạy cảm, đầy hơi, thay đổi tâm trạng...

Phụ nữ cũng có thể nhận thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên vào thời điểm rụng trứng. Sử dụng bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng hoặc que thử rụng trứng, kiểm tra nước tiểu giúp tìm hormone luteinizing (LH). Đây là loại hormone tăng lên khi gần đến ngày rụng trứng. Các que thử sẽ sẫm màu hơn khi phái đẹp gần đến ngày rụng trứng và sẫm màu nhất vào ngày trước khi rụng trứng.

Nếu ngừng biện pháp tránh thai và quan hệ tình dục đều đặn (2-3 lần mỗi tuần) nhưng không đậu thai sau 12 tháng, các cặp vợ chồng nên đi khám sức khỏe sinh sản toàn diện để sớm xác định nguyên nhân vô sinh, điều trị kịp thời. Với phụ nữ trên 35 tuổi, Học viện Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyến cáo nên khám sau 6 tháng thụ thai không thành công.

Anh Ngọc (Theo Parents)

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp