Tôi có nguy cơ ung thư gan không, làm thế nào để phát hiện sớm? (Bùi Tiến, 50 tuổi, Hưng Yên)
Trả lời:
Hút thuốc lá, uống rượu bia gây hại sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ phát triển ung thư, gồm cả ung thư gan. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 70 chất gây ra những thay đổi về gene dẫn đến ung thư. Nguy cơ ung thư gan tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc của người đó. Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính và xơ gan, lâu ngày tiến triển thành ung thư gan.
Ung thư gan giai đoạn sớm thường ít biểu hiện triệu chứng hoặc mơ hồ. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, các triệu chứng rõ ràng hơn. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm cảm giác khó chịu, đau tức vùng gan, bụng chướng, giảm cân, mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da và mắt, buồn nôn, nôn, nôn máu...
Tầm soát ung thư gan được chỉ định cho người có nguy cơ cao như mắc viêm gan virus B hoặc C mạn tính, viêm gan tự miễn, xơ gan... Bạn hút thuốc, uống rượu thường xuyên, thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư gan, nên đến bệnh viện có chuyên khoa ung thư để tầm soát. Căn cứ vào tuổi, tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ, bác sĩ chỉ định thực hiện tầm soát phù hợp.
Siêu âm gan: Đây là phương pháp tầm soát ung thư gan rất phổ biến. Siêu âm gan sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh trên màn hình máy tính, giúp bước đầu phát hiện khối u trong gan.
Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ gan (CT, MRI): Từ hình ảnh siêu âm, bác sĩ nghi ngờ ung thư gan có thể chỉ định chụp CT ổ bụng hoặc MRI để đánh giá kỹ hơn đặc điểm khối u. Phương pháp này cho hình ảnh cụ thể kích thước, hình dạng và vị trí của khối u gan, các đặc tính nghi ngờ ác tính hay không.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm sinh hóa máu nhằm đánh giá chức năng gan (như men gan AST, ALT, bilirubin...), xét nghiệm đông máu.
Sinh thiết gan: Khi các kết quả chẩn đoán hình ảnh chưa đủ kết luận tính chất khối u, bác sĩ chỉ định sinh thiết gan lấy bệnh phẩm nhằm xác định tính chất và nguồn gốc khối u.
Bạn nên cố gắng hạn chế tối uống rượu bia và hút thuốc lá, duy trì lối sống lành mạnh, ngủ nghỉ đúng giờ, tăng cường tập thể thao. Bạn nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất, nhất là nhóm thực phẩm chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng như rau lá xanh, trái cây họ cam quýt, các loại hạt, trà xanh... nhằm tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc ung thư.
Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thảo Ngọc
Khoa Ung bướu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |