Lý do sau tuyên bố 'Singapore dần tuyệt chủng' Elon Musk

Hôm 5/12, Elon Musk cảnh báo về nguy cơ "tuyệt chủng" của một số quốc gia, trong đó có Singapore, do tỷ lệ sinh thấp. Musk đã đăng lại bài đăng của một người dùng có nhắc đến việc Singapore sử dụng robot trong các lĩnh vực bị thiếu hụt nhân lực. Người dùng này cũng lưu ý rằng đến năm 2030, gần 1/4 người Singapore sẽ trên 65 tuổi. Phát ngôn của Musk gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên các mạng xã hội.

Thực tế, tình trạng này từng được nhiều chuyên gia nhắc tới trước đây, được gọi là "khủng hoảng trẻ em" ở châu Á. Ngoài Singapore, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, kể cả Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc từng có tỷ lệ sinh rất cao, trung bình mỗi phụ nữ sinh hơn 5 con, vào những năm 1970. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh đã giảm mạnh, xuống dưới một con trên mỗi phụ nữ. Xu hướng này phản ánh sự suy giảm toàn cầu, ở mức 50% trong 70 năm qua.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh hiện ở mức thấp kỷ lục là 0,72 con trên mỗi phụ nữ. Con số này ở Singapore là 0,97, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết là 2,1 để duy trì dân số. Nhật Bản, quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới, ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1947.

Sự sụt giảm sinh ở Hàn Quốc diễn ra đặc biệt nghiêm trọng. Áp lực kinh tế, giá nhà đất tăng cao và những thay đổi xã hội đã dẫn đến thế hệ "từ bỏ ba thứ": hẹn hò, kết hôn và sinh con. Đây là những người ở độ tuổi 20 và 30. Tỷ lệ kết hôn giảm xuống còn 5,5%, cùng với xu hướng này, dẫn đến dân số trên 65 tuổi ngày càng tăng. Theo báo cáo của Lancet, gần 20% trong số 51,6 triệu dân hiện trên 65 tuổi. Các chuyên gia cảnh báo dân số nước này có thể giảm một nửa vào năm 2100 nếu xu thế tiếp tục.

Một phụ nữ và trẻ em băng qua đường ở Tokyo, tháng 7/2021. Ảnh: AP

Một phụ nữ và trẻ em băng qua đường ở Tokyo, tháng 7/2021. Ảnh: AP

Singapore cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự, khi tỷ lệ sinh giảm xuống 0,97, mức thấp nhất trong lịch sử. Báo cáo của Liên Hợp Quốc dự đoán trong vòng 6 năm tới, dân số cao tuổi của Singapore sẽ đạt 24%, đưa quốc đảo trở thành một "xã hội siêu già" như Nhật Bản. Nhiều phụ nữ Singapore trong độ tuổi sinh đẻ (25-34) chọn sống độc thân, góp phần vào những thách thức về dân số của quốc gia.

Để đối phó với tỷ lệ sinh giảm, các chính phủ triển khai nhiều chính sách khuyến khích sinh đẻ. Singapore ứng dụng công nghệ để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, sử dụng robot trong nhiều lĩnh vực. Từ robot dọn dẹp, phục vụ bàn đến robot tuần tra tại sân bay Changi, Singapore trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về ứng dụng công cụ này vào đời sống. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, Singapore có mật độ robot là 770 trên 10.000 lao động.

Hàn Quốc áp dụng cách tiếp cận khác, cung cấp các khoản hỗ trợ tiền mặt để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Từ năm 2022, phụ nữ sinh con sẽ nhận được tiền thưởng 1.850 USD để trang trải chi phí trước khi sinh, cùng với các khoản hỗ trợ hàng tháng cho đến khi đứa trẻ tròn một tuổi. Chính phủ cũng đưa ra các chính sách như miễn phí nhà trẻ, hỗ trợ nghỉ phép chăm sóc con, thậm chí tổ chức các buổi hẹn hò tập thể để khuyến khích kết hôn và sinh con.

Sự thay đổi dân số ở châu Á là lời cảnh tỉnh cho các chính phủ trong khu vực xem xét lại chính sách và tạo môi trường hỗ trợ cho các gia đình. Với tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa, các quốc gia như Singapore và Hàn Quốc thử nghiệm những giải pháp sáng tạo để giải quyết những thách thức này.

Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều bất ổn. Các chuyên gia cảnh báo nếu không có những thay đổi đáng kể, hậu quả có thể rất nghiêm trọng đối với sự ổn định kinh tế và cấu trúc xã hội của các quốc gia này. Như Elon Musk đã chỉ ra, những thay đổi về nhân khẩu học này có thể có tác động sâu rộng và các chính phủ cần phải hành động khẩn cấp để đảm bảo tương lai bền vững cho châu Á.

Thục Linh (Theo India Today, One India)