Ngày 7/1, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Phương đi khám trễ khi mất kinh nguyệt một năm. Tử cung của chị teo nhỏ, mỏng "như lá lúa" nên không thể mang thai tự nhiên.
Mãn kinh là thời điểm kết thúc giai đoạn sinh sản của phụ nữ, không còn rụng trứng, sản xuất các loại nội tiết tố. Theo bác sĩ Tâm, nhóm phụ nữ mãn kinh ở tuổi đôi mươi như Phương chỉ chiếm tỷ lệ 0,1%. Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ tại các nước phát triển là 51-52 tuổi, ở Việt Nam là 48-50 tuổi. Mãn kinh trước tuổi 40 được gọi là mãn kinh sớm, trước tuổi 38 là rất sớm và thường liên quan đến suy buồng trứng sớm.
Trường hợp khác là chị Thúy, 39 tuổi, nửa năm nay bị rối loạn kinh nguyệt dạng thưa và ít dần, thay đổi tâm trạng buồn vui, cáu gắt thất thường, có khi mất tập trung làm việc, đổ mồ hôi đêm, rối loạn giấc ngủ. Chị uống thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt ba tháng không cải thiện, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và bệnh sử, bác sĩ Tâm nghi ngờ chị mãn kinh sớm.
Kết quả xét nghiệm nội tiết xác định estrogen giảm, không có progesterone vì không rụng trứng, chỉ số xét nghiệm FSH trong máu tăng đến ngưỡng mãn kinh (≥ 40 mUI/mL). Bác sĩ Tâm đánh giá chị Thúy có triệu chứng mãn kinh nhưng vẫn còn kinh nguyệt. Nếu không chữa trị, chị sẽ bị mãn kinh sớm thực sự. "Nhiều người khen tôi trẻ như phụ nữ 30 nên bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán sắp mãn kinh", chị Thúy nói.
Mãn kinh sớm có thể do nhiều nguyên nhân như gene di truyền, đột biến nhiễm sắc thể, mắc hội chứng Turner hoặc do bệnh lý như điều trị ung thư, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Lối sống thiếu khoa học, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá... cũng góp phần gây nên tình trạng.
Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh (45-69 tuổi). Đa phần phụ nữ bị sốc tâm lý, khó chấp nhận kết quả. Nếu không được chăm sóc đúng cách, phụ nữ gặp các vấn như trầm cảm, loãng xương, mắc bệnh tim mạch, huyết áp, mất ngủ, tăng cân, vô sinh...
Để điều trị cho chị Thúy, bác sĩ Thanh Tâm sử dụng liệu pháp thay thế hormone. Đây là phương pháp sử dụng estrogen và progesterone tổng hợp để thay thế lượng hormone đang suy giảm, đẩy lùi các triệu chứng mãn kinh. Sau ba tháng điều trị, 70% triệu chứng khó chịu tuổi mãn kinh được cải thiện, chị giảm gãy rụng tóc, kinh nguyệt xuất hiện trở lại, tinh thần vui vẻ hơn, ngủ ngon giấc hơn.
Còn Phương phải xin trứng từ chị gái để sinh con nhờ hỗ trợ sinh sản. Bác sĩ chỉ định sử dụng nội tiết cho chị Phương giúp tử cung phát triển. Khi đáp ứng tử cung tăng kích thước, niêm mạc đáp ứng thuốc tốt, Phương được chuyển phôi vào cuối năm 2024.
Phụ nữ bị mãn kinh sớm hoặc trong độ tuổi mãn kinh xuất hiện triệu chứng khó chịu do thiếu hụt nội tiết tố cần được điều trị bổ sung. Phụ nữ trẻ gặp tình trạng kinh nguyệt không đều nên đi khám phụ khoa sớm. Chị em tuổi 30-40 xuất hiện triệu chứng bốc hỏa, thay đổi da, tóc, tăng cân, thay đổi tâm trạng, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn giấc ngủ cũng nên đến bệnh viện kiểm tra.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |