Mổ cột sống thành công cho người đang chạy thận

"Người bệnh đã mất chức năng thận hoàn toàn, phải lọc thận 3 ngày mỗi tuần để duy trì sự sống", BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Ngoại Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, thêm rằng thách thức của ca mổ này rất lớn vì người bệnh có nguy cơ cao tụt huyết áp, mất máu trước và sau mổ. Nhiễm trùng vết mổ nếu điều trị bằng kháng sinh sẽ rất phức tạp do chức năng thận suy giảm. Đây là những biến chứng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Trước đó, bà Thu có chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống nhưng vì tiền sử chạy thận lâu năm. Bà cũng lo sợ bệnh thận ảnh hưởng đến phẫu thuật nên cố gắng điều trị bảo tồn bằng thuốc, vật lý trị liệu, châm cứu... Gần đây thuốc giảm đau không còn tác dụng nên bà khó đi lại, phải ngồi xe lăn.

BS.CKI Trần Xuân Anh đánh giá tình trạng thoát vị đĩa đệm của bà Thu nặng, đã chèn ép lên dây thần kinh gây đau dữ dội và khó đi lại. Bệnh tiến triển sẽ dẫn tới đại tiểu tiện không tự chủ, tê liệt hai chân vĩnh viễn. Bà Thu được chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng và khôi phục chức năng vận động.

Bác sĩ Xuân Anh (phải) phẫu thuật bắt vít cột sống cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Xuân Anh (phải) phẫu thuật bắt vít cột sống cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Để đảm bảo an toàn cho phẫu thuật, một ngày trước mổ, bà Thu được chạy thận tại khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Điều này giúp tránh nguy cơ một lượng lớn nước, chất điện giải và chất thải tích tụ lại trong cơ thể, gây tổn thương các cơ quan khác như tim, phổi, thần kinh, tiêu hóa, thậm chí tử vong.

Ngay hôm sau, bà được phẫu thuật cột sống bằng phương pháp hàn xương liên thân đốt lối sau. Bác sĩ rạch một đường nhỏ phía sau cột sống, bóc tách các cơ cạnh cột sống, loại bỏ đĩa đệm thoát vị, ghép đĩa đệm nhân tạo, bắt vít qua cuống sống, hàn xương, từ đó giải phóng thần kinh và làm cứng cột sống. Theo bác sĩ Xuân Anh, đây là kỹ thuật mổ ít xâm lấn, hạn chế tối đa tổn thương các tổ chức gân cơ xương xung quanh, ít mất máu, người bệnh phục hồi nhanh hơn. Tiên lượng người bệnh có thể phục hồi đến 95%.

Sau mổ, bà được theo dõi tại khoa chăm sóc đặc biệt và tiếp tục chạy thận theo lịch định kỳ. Ngày đầu, người bệnh giảm đau, chân nhẹ hẳn. Đến ngày thứ ba, bà đi lại tốt và được xuất viện trong hai ngày tiếp theo. Tái khám sau một tháng, bà có thể đi đứng nhẹ nhàng, sinh hoạt gần như bình thường, tâm trạng vui vẻ.

Vị trí đốt sống bị trượt của bà Thu trước (trái) và sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Vị trí đốt sống bị trượt của bà Thu trước (trái) và sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Bác sĩ Xuân Anh cho biết với sự phát triển của y học và công nghệ hiện nay, phẫu thuật điều trị các bệnh cột sống như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, cong vẹo cột sống... thành thường quy, có độ an toàn cao. Người bệnh khi đã điều trị bảo tồn không còn hiệu quả nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng hiện đại cho phẫu thuật cơ xương khớp. Các hệ thống như kính vi phẫu giúp phóng đại vị trí phẫu thuật lên gấp hàng chục lần, nâng cao độ chính xác cho các thao tác. Hệ thống định vị, theo dõi thần kinh trong phẫu thuật cảnh báo bác sĩ nếu tiếp cận dây thần kinh, tránh được tổn thương các cấu trúc quan trọng.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp