Mỹ cho phép bệnh nhân HIV hiến tạng cho người đồng nhiễm

Quyết định mang tính bước ngoặt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có hiệu lực từ ngày 28/11, dự kiến rút ngắn thời gian chờ đợi tạng cho tất cả bệnh nhân và tăng cơ hội điều trị cho người mắc HIV. Trước đây, việc ghép tạng như vậy chỉ được phép thực hiện trong các nghiên cứu, theo FDA.

Các chuyên gia cho biết đây là minh chứng cho sự tiến bộ y học trong điều trị HIV và nỗ lực giảm kỳ thị xung quanh căn bệnh này. Năm 2023, FDA đã nới lỏng lệnh cấm hiến máu đối với nam giới đồng tính và song tính - một tàn dư của cuộc khủng hoảng AIDS. Mùa xuân năm ngoái, một tổ chức nhi khoa hàng đầu của Mỹ cho biết các bà mẹ nhiễm HIV có thể cho con bú nếu họ đang dùng một số loại thuốc nhất định.

Christine Durand, giáo sư y khoa và ung thư tại Trường Y Johns Hopkins nhận định, HIV từng được coi là "án tử", nay là căn bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được. Bà Durand là tác giả chính của một nghiên cứu công bố tháng trước trên Tạp chí Y học New England, khẳng định tính an toàn của việc ghép tạng giữa người hiến và người nhận đều nhiễm HIV.

"Nghiên cứu cho thấy, không có sự khác biệt nào giữa việc nhận thận từ người hiến tặng nhiễm và không nhiễm HIV. Ngoài việc giảm kỳ thị, điều này có thể giúp giảm bất bình đẳng cho những người nhiễm HIV", giáo sư Durand nói.

Bà Durand và đồng nghiệp đã theo dõi 198 người nhận tạng trong 4 năm. 99 người trong số họ nhận thận từ người hiến nhiễm HIV và 99 người khác nhận thận từ người không mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu đã xem xét một loạt kết quả an toàn, bao gồm tỷ lệ tử vong hoặc suy thận. Theo giáo sư Durand, cả hai nhóm có tỷ lệ sống sót tương đương và rất cao, thận đáp ứng tốt.

"Nghiên cứu nhấn mạnh tính an toàn của việc ghép tạng từ người mắc HIV", bà nói.

bác sĩ đang thực hiện một ca phẫu thuật cấy ghép. Ảnh: Johns Hopkins Medicine

Bác sĩ đang thực hiện một ca phẫu thuật cấy ghép. Ảnh: Johns Hopkins Medicine

Năm 2010, các nhà khoa học Nam Phi lần đầu cung cấp bằng chứng cho điều này. Sau khi vận động hành lang mạnh mẽ, đến năm 2013, chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 25 năm với hình thức cấy ghép này thông qua Đạo luật Công bằng Chính sách Nội tạng HIV. Động thái cho phép các nhà nghiên cứu cấy ghép tạng từ người nhiễm HIV trong phòng thí nghiệm. Ca thử nghiệm đầu tiên diễn ra năm 2016 tại Bệnh viện Đại học Johns Hopkins.

Tuy nhiên, các quy trình rất nghiêm ngặt, hạn chế nhiều trung tâm cấy ghép cung cấp phương pháp này. Việc loại bỏ các hạn chế nghiên cứu mở rộng cơ hội cho nhiều cơ sở y tế. Quy định mới cũng tăng khả năng tiếp cận cho tất cả bệnh nhân cần ghép thận và gan, bất kể tình trạng sức khỏe, vì sẽ có nhiều tạng hơn.

"Ở Bờ Đông, nơi nhu cầu cao, danh sách chờ có thể từ hai đến 5 năm. Đối với những người nhiễm HIV, thời gian chờ đợi thường lâu hơn. Quy định này sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi nói chung", bà Durand cho biết.

Ngoài thận và gan, giới chức hướng đến việc nới lỏng quy định cấy ghép tim, phổi trong thời gian tới.

Thục Linh (Theo Washington Post)