Bisma Lalji, 37 tuổi, được chẩn đoán ung thư vú hồi tháng 2/2023 khi đang chịu rất nhiều căng thẳng liên quan đến công việc trong ngành tài chính. Theo Mail, khi căn bệnh ung thư đang tiến triển nặng dần lên, Lalji đã "thức trắng đêm, liên tục sử dụng đồ chứa caffeine và adrenaline, hầu như không dừng lại để ăn, chưa nói dành thời gian để ngủ".
Trong một video trên Instagram, Lalji nói hiện cô đã "nhận ra" chính lối sống quá áp lực này đã góp phần khiến cô mắc ung thư. "Căng thẳng mãn tính là kẻ giết người thầm lặng. Nó phá vỡ hormone của bạn, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và ngăn cơ thể bạn thực hiện nhiệm vụ chữa lành", cô viết. "Cơ thể cần ngủ để tự thực (còn gọi là dọn dẹp tế bào) để chống lại tình trạng viêm, để phục hồi. Nhưng khi bạn liên tục ở chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy? Quá trình chữa lành đó sẽ không xảy ra. Ly hôn, gánh nặng của cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp đè lên tôi như một tấn gạch. Nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng, vẫn tự nhủ rằng mình sẽ nghỉ ngơi sau".

HIện sức khỏe của Lalji ổn định sau khi được điều trị ung thư vú. Ảnh: Instagram Bisma Lalji
Hiện cô kêu gọi những người khác hãy rút kinh nghiệm từ chính trường hợp của mình và dành thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi.
"Khi nhìn lại, tôi ước mình đã sống chậm hơn, ước đã lắng nghe cơ thể thay vì xem làm việc liên liên tục không ngủ nghỉ như một huy hiệu đáng tự hào. Nếu bạn liên tục cảm thấy kiệt sức, hãy nghe tôi, sức khỏe của bạn không đáng để phải bận rộn. Nếu không dành thời gian cho sức khỏe, bạn sẽ buộc phải dành thời gian để chữa bệnh", cô cảnh báo.
Lalji bị ung thư vú giai đoạn 4, căn bệnh đã di căn đến xương ở phần thân trên như cột sống và xương sườn, sau đó là gan.
Một cơn đau dữ dội đột ngột ở cột sống là triệu chứng duy nhất của cô trước khi được chẩn đoán. Các xét nghiệm sau đó cho thấy có khối u một cm ở vú phải. Do đang mang thai khi nhận chẩn đoán bệnh, Lalji, đến từ California, đã buộc phải đưa ra quyết định đau lòng. "'Ngoài chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, nếu muốn sống, tôi phải chấm dứt thai kỳ"', cô nói.
Các bài đăng sau đó trên Instagram, nơi Lalji có gần 45.000 người theo dõi, tiết lộ rằng căn bệnh ung thư vú hiện đã "ổn định" nhờ một loạt thuốc điều trị ung thư có mục tiêu.
Trong khi Lalji chắc chắn rằng căng thẳng là một yếu tố góp phần khiến cô mắc bệnh, các nghiên cứu cho thấy kết quả trái chiều.
Tổ chức từ thiện Anh Cancer Research UK cho biết nghiên cứu không chỉ ra mối liên hệ nhất quán giữa căng thẳng và ung thư. Tổ chức này trích dẫn một nghiên cứu liên quan đến 100.000 phụ nữ Anh không tìm thấy bằng chứng nào về mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư vú. Tuy nhiên, Cancer Research UK nhận định căng thẳng có thể khiến mọi người hút thuốc, uống rượu và ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh hơn - tất cả đều là những tác nhân gây ra nguy cơ ung thư.
Ung thư vú là loại phổ biến nhất ở Anh với gần 56.000 trường hợp được chẩn đoán mỗi năm. Trong khi phần lớn các trường hợp người bệnh là phụ nữ, có khoảng 370 nam giới Anh cũng được chẩn đoán mắc ung thư vú mỗi năm.
Gần 11.500 người Anh tử vong vì ung thư vú mỗi năm, khiến đây trở thành nguyên nhân gây tử vong do ung thư lớn thứ hai ở phụ nữ nước này. Nguy cơ mắc ung thư vú tăng theo độ tuổi, nhưng các yếu tố khác, như tiền sử gia đình và uống rượu cũng đóng một vai trò.
Tỷ lệ sống sót của ung thư vú thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn được chẩn đoán nhưng nhìn chung, 3 trong số 4 phụ nữ có thể sống thêm 10 năm trở lên kể từ khi được chẩn đoán.
Tỷ lệ sống sót sau ung thư vú đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua một phần nhờ vào việc tầm soát thường xuyên và nâng cao nhận thức về các triệu chứng. Phụ nữ được khuyến khích kiểm tra vú định kỳ để phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh ung thư. Những dấu hiệu này bao gồm một khối u hoặc sưng ở vú, ngực hoặc nách, sự thay đổi ở da vú hoặc sự thay đổi chung về kích thước, hình dạng vú. Tiết dịch ở núm vú có máu, thay đổi về hình dạng hoặc vẻ ngoài của núm vú và đau liên tục ở vú hoặc nách cũng là dấu hiệu của bệnh.
Hướng Dương (Theo Mail)