Ha Sang-hee, ngoài 30 tuổi, thường xuyên đăng ảnh chụp các bữa ăn tự nấu không bao gồm cơm trắng, thức ăn chế biến sẵn và các loại sốt hương vị mạnh, lên mạng xã hội. "Sau 8 tháng duy trì, tôi thấy sức bền và miễn dịch đã cải thiện. Tôi biết chăm sóc bản thân tốt hơn. Điều này giúp tôi ổn định tinh thần và tránh xa những suy nghĩ tiêu cực", Ha nói.

Hộp cơm trưa của Ha Sang-hee gồm viên cơm gạo lứt cuộn cải xoăn, tương đậu nành cay và một đĩa salad đậu với rau arugula. Ảnh: Korea Herald
Không chỉ Ha, nhiều người khác cũng tuân thủ "chế độ ăn chống lão hóa" này. Khoảng 58.000 người cũng chia sẻ kinh nghiệm về ăn uống làm chậm quá trình lão hóa trong một nhóm trên X, nhiều người đều ở độ tuổi 20 và 30.
Thuật ngữ "lão hóa chậm" chỉ lối sống tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ thông qua những thói quen tốt, đồng thời giảm thiểu căng thẳng về thể chất và tinh thần. Chế độ ăn chậm lão hóa nhấn mạnh vào việc tránh các thành phần có nhiều chất béo và chỉ số đường huyết cao, có thể gây căng thẳng cho cơ thể.
Đầu những năm 2020, người Hàn Quốc vẫn ưa chuộng hương vị đậm đà trong các món ăn như tteokbokki và malatang, tin rằng chúng giúp giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, một sự thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra sau những nỗ lực không ngừng của Tiến sĩ Jung Hee-won, giáo sư lão khoa tại Trung tâm Y tế Asan ở Seoul và là người đứng đầu nhóm lão hóa chậm, nơi Ha là một thành viên.
Từ năm 2024, chuyên gia Jung tích cực quảng bá lối sống lành mạnh trên mạng xã hội, đặc biệt trên trang X. Sức ảnh hưởng của ông đã khiến "lão hóa chậm" lan truyền rộng rãi. Nó cũng mang lại cho ông biệt danh "giáo sư lão hóa chậm".
Ban đầu, giáo sư Jung được chú ý vì những biến tấu kỳ lạ, chẳng hạn như thêm đậu lăng và đá vào mì ramyeon trong khi bỏ nước dùng. Dần dần, sự kiên trì của ông đã khiến nhiều người có động lực để theo dõi và áp dụng.

Tập đoàn CJ của Hàn Quốc phát động chiến dịch "ngày ăn chậm lão hóa" tại căng tin công ty. Ảnh: CJ Freshway
Khi chế độ ăn chậm lão hóa ngày càng được ưa chuộng, các công ty thực phẩm lớn cũng bắt đầu tham gia.
7-Eleven Korea và nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu CJ CheilJedang đã cho ra mắt các sản phẩm lấy cảm hứng từ quá trình lão hóa chậm dựa trên công thức của Tiến sĩ Jung. Các sản phẩm này có thành phần là ngũ cốc hỗn hợp hoặc ngũ cốc nguyên hạt, ít muối và nhiều rau hơn.
"Chúng tôi thấy hộp cơm trưa và các bữa ăn sẵn theo công thức của giáo sư Jung vẫn tiếp tục được nhắc đến rộng rãi trên mạng. Hầu hết các đánh giá là của thế hệ milennial và thế hệ Z, từ thanh thiếu niên đến người lớn ở độ tuổi đầu 40", một quan chức của Korea Seven, nhà điều hành 7-Eleven Hàn Quốc, cho biết. Người này nói thêm rằng các sản phẩm của họ vẫn nằm trong số những mặt hàng được xếp hạng cao nhất, ngay cả khi đã ra mắt nhiều tháng.
Trong khi đó, GS25, một chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn khác, đã tung ra sản phẩm gạo đánh bóng một nửa vào tháng 2, sau khi doanh số bán ngũ cốc hỗn hợp tăng 60,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước.
"Các dòng thực phẩm hiện được đa dạng hóa để phục vụ khách hàng, những người bị thu hút bởi xu hướng lão hóa chậm. Các sản phẩm mới này có thể hấp dẫn nhiều người mua hơn và mở rộng hơn nữa thị trường thực phẩm tập trung vào sức khỏe", Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết.
Một khía cạnh đáng chú ý của xu hướng lão hóa chậm là nó thực sự có sức hấp dẫn mạnh mẽ với thế hệ trẻ, những người vốn được cho là ít chú trọng vào việc ăn uống lành mạnh hơn người lớn tuổi. Trước đây, xu hướng ẩm thực Hàn Quốc ưa chuộng các món tráng miệng ngọt và béo ngậy, nhưng điều này đang thay đổi.
Các cuộc khảo sát gần đây chỉ ra xu hướng chung là những người ở độ tuổi 20 và 30 chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe. Theo Embrain Trendmonitor, bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc công ty Embrain (Hàn Quốc), tỷ lệ người ở độ tuổi 20 và 30 quan tâm đến sức khỏe đã tăng lần lượt 55% và 49,5% vào năm 2024, so với mức 30,8% và 32% vào năm 2016. Nhóm tuổi này hiện quan tâm đến quản lý sức khỏe chỉ sau nhóm tuổi 60, trong khi năm 2016, họ là nhóm ít quan tâm nhất.
Nghiên cứu của ngành công nghiệp thực phẩm chỉ ra xã hội ngày càng chú trọng đến sức khỏe sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, một số người cho rằng sự gia tăng mạnh các trường hợp béo phì và tiểu đường ở những người trong độ tuổi 20 đã góp phần vào sự thay đổi này.
Theo Choi Chul, giáo sư kinh tế tiêu dùng tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, phong trào lão hóa chậm phù hợp với hành vi tiêu dùng đang thay đổi của Hàn Quốc. Giáo sư Choi cho biết: "Khi thu nhập trung bình tăng lên, người Hàn Quốc tìm kiếm nhiều thứ hơn là chỉ hưởng thụ đơn thuần. Được thúc đẩy bởi sự yêu bản thân, họ thấy thỏa mãn hơn khi chi tiêu cho sức khỏe, không chỉ dừng lại ở việc có được một cơ thể đẹp".
Ông nói thêm rằng tư duy "yêu bản thân" đặc biệt mạnh mẽ ở thế hệ trẻ và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền xu hướng này. "Sự gia tăng nội dung có ý thức kết hợp với phong trào tự chăm sóc bản thân có khả năng đã đẩy nhanh sự lan truyền các xu hướng về sức khỏe trong giới trẻ Hàn Quốc", giáo sư Choi nhận định.
Hướng Dương (Theo Korea Herald)