Nguy hại khi để nguyên túi nilon đựng thực phẩm vào tủ lạnh

Nhiều người có thói quen cho hết tất cả nguyên liệu, túi nilon vào tủ lạnh sau khi đi chợ về, cho rằng việc này rất tiện lợi, lại có thể bảo vệ các thành phần, dinh dưỡng trong thực phẩm. Tuy nhiên, thói quen này thực chất lại gây hại cho sức khỏe theo hai cách.

Ảnh: Sohu

Ảnh: Sohu

1. Giải phóng chất độc hại

Túi nilon đựng thực phẩm thường có nhiều màu sắc, phổ biến là màu trắng, vàng, xanh lá cây, đỏ... Nhiều loại còn được thêm một số hóa chất trong quá trình sản xuất.

Theo Aboluowang, những hóa chất này dễ dàng thoát ra trong môi trường tủ lạnh nhiệt độ thấp và xâm nhập vào thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có túi nilon sáng màu. Thực phẩm tiếp xúc với các chất có hại này trong thời gian dài khi đi vào cơ thể dễ tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ra các bệnh mãn tính.

Ngoài ra, một số túi nhựa chất lượng thấp có chứa phthalates. Đây là chất làm dẻo có hại cho cơ thể con người, sử dụng lâu dài có thể gây tổn thương gan, thận và các cơ quan khác.

2. Đẩy nhanh tốc độ phân hủy thực phẩm

Túi nhựa có tính kín khí, trong khi thực phẩm cần được thở để giữ độ tươi ngon. Nếu thực phẩm được để lâu trong túi nilon kín, vi khuẩn kị khí dễ sinh sôi do thiếu oxy. Loại vi khuẩn này sinh sản rất nhanh trong môi trường thiếu oxy và có thể dễ dàng đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn. Đặc biệt các loại rau, trái cây có độ ẩm tương đối cao rất dễ phát sinh mùi hôi do ẩm nếu để trong túi nilon lâu ngày.

Ngoài ra, nhiệt độ thấp trong tủ lạnh dễ gây ra hiện tượng ngưng tụ hơi nước trong túi nhựa. Việc tăng độ ẩm của thực phẩm mang lại môi trường sống lý tưởng cho vi sinh vật.

Như vậy, môi trường ẩm ướt kín khí rất có hại cho hầu hết các loại rau củ quả. Nó không chỉ làm tăng tốc độ hư hỏng mà còn ảnh hưởng đến hương vị và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách

Cho vào hộp đựng an toàn

Khi muốn cho rau củ, trái cây vào tủ lạnh, trước tiên bạn cần lấy chúng ra khỏi túi nilon, sau đó cho vào hộp thủy tinh sạch, hộp gốm, hộp nhựa chuyên dụng cho thực phẩm và các loại hộp đựng khác.

So với túi nhựa, những hộp đựng này không thải ra các chất độc hại trong môi trường nhiệt độ thấp. Chúng cũng thường có nắp đậy kín để tránh lẫn lộn mùi và duy trì độ tươi ngon một cách hiệu quả.

Giữ thực phẩm khô ráo

Môi trường khô ráo giúp kéo dài độ tươi của thực phẩm. Vì vậy, trước khi bảo quản nguyên liệu, chúng ta nên cố gắng dùng khăn giấy, khăn sạch để lau khô độ ẩm trên bề mặt rau, củ, quả. Nguyên nhân là do đối với các loại rau, trái cây ăn lá, môi trường ẩm ướt dễ dàng đẩy nhanh quá trình thối rữa và ảnh hưởng đến mùi vị của thực phẩm.

Ngoài độ ẩm của bản thân thực phẩm, bạn cũng nên chú ý hơn đến môi trường bên trong tủ lạnh. Giữ cho bên trong tủ lạnh sạch sẽ, khô ráo và vứt bỏ các nguyên liệu hết hạn sử dụng hoặc thối cũng có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn một cách hiệu quả.

Phân loại bảo quản

Bảo quản rau và trái cây càng riêng biệt càng tốt, vì một số loại trái cây như chuối, táo tiết ra ethylene - một loại khí làm tăng tốc độ chín. Nếu để rau và trái cây cùng nhau, thực phẩm nhanh chín hơn, dễ dẫn đến thối rữa.

Ngoài ra, thực phẩm sống và thực phẩm chín cũng cần được bảo quản riêng biệt. Thịt, cá sống nếu để chung với thực phẩm đã nấu chín dễ gây ra tình trạng lây nhiễm chéo, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Sử dụng túi nhựa trong suốt

Nếu cần phải sử dụng túi nhựa, hãy cố gắng chọn túi nhựa trong suốt dùng cho thực phẩm. Loại túi nhựa này an toàn hơn, không chứa chất tạo màu và có tương đối ít thành phần hóa học. Bạn cũng có thể mua túi bảo quản thực phẩm chuyên dụng hoặc túi chân không để giữ thực phẩm tươi ngon, giảm tiếp xúc với không khí và kéo dài thời hạn sử dụng.

Hướng Dương (Theo Aboluowang)