Nguyên nhân khiến phụ nữ sa tạng chậu

Sa tạng chậu là tình trạng một hoặc nhiều cơ quan ở vùng chậu gồm bàng quang, niệu đạo, tử cung, âm đạo, buồng trứng, trực tràng tuột khỏi vị trí sinh lý về phía âm đạo, hậu môn, có thể lộ hẳn ra ngoài cơ thể.

Sa tạng chậu xảy ra do hệ cơ, dây chằng không còn khả năng nâng đỡ. TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các nguyên nhân làm suy yếu hệ cơ và dây chằng sàn chậu bao gồm:

Mang thai và sinh con: Phụ nữ từng mang thai, nhất là mang thai nhiều lần và sinh con qua ngã âm đạo có nguy cơ cao sa tạng chậu. Nguyên nhân hệ cơ và dây chằng sàn chậu phải nâng đỡ trọng lượng của thai nhi trong thời gian dài cộng với quá trình sinh khiến sàn chậu giãn quá mức và suy yếu.

Thiếu hụt nội tiết tố: Estrogen là hormone tham gia duy trì sự đàn hồi của nhóm cơ sàn chậu. Ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh hay phụ nữ lớn tuổi, nội tiết tố nữ này suy giảm, khiến các cơ chùng nhão, giảm khả năng nâng đỡ.

Bác sĩ Phúc Liên (thứ hai từ phải qua) phẫu thuật sa tạng chậu cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Phúc Liên (thứ hai từ phải qua) phẫu thuật sa tạng chậu cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể tăng quá mức tạo áp lực lớn lên ổ bụng và hệ cơ sàn chậu. Nếu không có các biện pháp kiểm soát cân nặng, phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ bị sa tạng chậu cao hơn.

Hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng: Những hoạt động gắng sức như ho hay rặn mạnh do táo bón lâu ngày, thường xuyên mang vác vật nặng làm tăng áp lực ổ bụng, dần làm suy yếu các cơ vùng chậu dẫn đến sa tạng chậu. Phụ nữ gặp tình trạng này còn có thể do hệ cơ và dây chằng sàn chậu yếu bẩm sinh, có tiền sử phẫu thuật vùng chậu.

Theo bác sĩ Liên, phụ nữ bị sa tạng chậu có thể cảm nhận có khối lạ nhô ra từ âm đạo hay hậu môn, tiểu són, tiểu khó, cảm giác vướng víu, cộm ở vùng kín, nhất là khi đi lại hoặc ngồi. Khối sa chèn ép niệu đạo, hậu môn khiến người bệnh tiểu són, tiểu khó, khó đại tiện, thậm chí phải dùng tay đẩy khối sa vào bên trong mới có thể đi tiểu hay đại tiện. Người bệnh còn có thể xuất hiện tình trạng đau khi giao hợp, tăng tiết dịch âm đạo, chảy máu ở vùng kín...

Sa tạng chậu có thể gây ra một số biến chứng như són tiểu, tiểu khó, nhiễm trùng đường tiểu, viêm loét khối sa. Theo bác sĩ Liên, nguy hiểm nhất là gây tắc nghẽn niệu quản, cản trở đường thoát nước tiểu từ thận, khiến thận bị ứ nước, dần phá hủy nhu mô thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận.

Nếu sa tạng chậu mức độ nhẹ, phụ nữ chỉ cần điều trị đơn giản, ít xâm lấn như tập sàn chậu để tăng cường sức mạnh hệ cơ và dây chằng vùng chậu hoặc đặt vòng nâng âm đạo giúp đẩy các cơ quan bị sa trở về vị trí ban đầu. Trường hợp sa tạng chậu nặng, các phương pháp ít xâm lấn không còn tác dụng, người bệnh cần được phẫu thuật đưa cơ quan bị sa xuống trở về đúng vị trí và giữ cố định để tránh tái phát.

Bác sĩ Liên khuyến cáo phụ nữ bị sa tạng chậu cần đến bệnh viện khám sớm để xác định mức độ và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh để lâu, phát sinh các biến chứng nguy hiểm nêu trên.

Thắng Vũ

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu - nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp