Nhồi máu cơ tim 7 ngày vẫn tưởng trào ngược dạ dày

Trước khi nhập viện ông bị nóng rát sau xương ức, cảm giác trào ngược, ợ chua, đắng miệng, khó thở. Bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán ông bị trào ngược dạ dày thực quản, cho xuất viện và kê đơn thuốc 5 ngày.

Hết toa thuốc, ông đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 kiểm tra dạ dày, kết quả đo điện tâm đồ (ECG) cho thấy ST chênh lên, tức có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp. Xét nghiệm máu ghi nhận mức troponin để xác định nhồi máu cơ tim lên 3.048 ng/L trong khi bình thường dưới 14 ng/L. Chức năng tâm thu thất trái của người bệnh suy giảm, vùng mỏm tim mất chức năng co bóp.

Ngày 25/12, ThS.BS Phan Thị Hoàng Yến, chuyên khoa Tim mạch, cho biết bệnh nhân có biểu hiện hội chứng mạch vành cấp nặng nề. Tình trạng này xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn khiến máu không thể cung cấp cho vùng cơ tim.

"Nếu cơ tim bị tổn thương nhiều, bệnh nhân có nguy cơ sốc tim, loạn nhịp nguy hiểm và đột tử", bác sĩ Yến nói, thêm rằng ông Liêm không có các triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp nên nhầm lẫn với triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Bác sĩ Yến giải thích tim và hệ tiêu hóa đều được chi phối bởi hệ thần kinh thực vật, khiến cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim dễ bị nhầm lẫn với đau do bệnh lý dạ dày.

Các bác sĩ chuyển người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để can thiệp mạch vành, ngăn ngừa biến chứng. ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, cho hay lúc này chức năng tim của người bệnh đã giảm hơn 1/2 so với bình thường, co bóp yếu, còn khoảng 30% trong khi bình thường 60-70%, động mạch vành trái bị tắc nghẽn ở ngay thượng nguồn. Bác sĩ chỉ định đặt stent để tái thông tắc nghẽn cho người bệnh.

Do nhập viện trễ, cơ tim bệnh nhân đã hoại tử nhiều, dễ bị vỡ. Lòng động mạch vành còn có nhiều huyết khối, khi tái thông có thể khiến huyết khối rơi vào các mạch máu nhỏ hơn gây tắc. Vì vậy, đặt stent tiềm ẩn nhiều rủi ro, theo bác sĩ Minh.

Êkíp sử dụng công nghệ siêu âm trong lòng mạch (IVUS) khảo sát toàn diện mức độ tổn thương động mạch vành, đánh giá chính xác diện tích lòng mạch, chọn loại stent phù hợp. Thủ thuật diễn ra thuận lợi, dòng máu nuôi tim của bệnh nhân thông thoáng hơn.

Bác sĩ Minh (trong cùng bên phải) can thiệp đặt stent cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Minh (trong cùng bên phải) can thiệp đặt stent cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau hai ngày, ông Liêm có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng, ăn uống ngon miệng, được xuất viện. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc giúp hồi phục chức năng tim và thuốc chống đông để tránh tình trạng tái hẹp sau này.

Bác sĩ Minh cho biết nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim với triệu chứng không điển hình dẫn đến nhập viện muộn. Theo Hiệp hội Tim mạch châu Âu và Mỹ, "thời điểm vàng" để tái thông mạch máu cứu người bệnh nhồi máu cơ tim cấp là dưới 60 phút. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quá trình này diễn ra trong vòng 40-45 phút kể từ khi bệnh nhân nhập viện.

Bác sĩ Minh (giữa) tư vấn tình trạng sức khỏe cho ông Liêm trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Minh (giữa) tư vấn tình trạng sức khỏe cho ông Liêm trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bên cạnh các biểu hiện thường thấy như đau ngực khó thở, một số người bệnh cảm thấy đau bụng, đầy hơi như bệnh tiêu hóa, hay chóng mặt, nghẹt cổ, đau cổ, mỏi vai, buồn nôn, chóng mặt, đau mắt... Khi nhận thấy cơ thể có thay đổi bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên sâu để khám.

Đình Lâm

20h ngày 25/12, TTND.GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, và BS.CKI Lê Minh Quân - Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tư vấn trực tuyến về Cách mạng công nghệ Chẩn đoán và Can thiệp bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, hở van tim, loạn nhịp tim. Chương trình phát trên fanpage Bệnh viện Tâm Anh và báo VnExpress. Độc giả đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.