Những bệnh phụ khoa thường gặp cản trở thụ thai

Bác sĩ Dương Việt Bắc, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết biểu hiện thường gặp các bệnh phụ khoa là rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khí hư bất thường, có mùi lạ, đau rát vùng kín... Dưới đây là một số bệnh phụ khoa thường gặp ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng này có liên quan đến mất cân bằng nội tiết tố tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, tăng nồng độ nội tiết nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng.

Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra hội chứng này. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các yếu tố di truyền và môi trường sống như thai nhi bị phơi nhiễm với các nội tiết androgen trong tử cung, chế độ ăn nhiều chất béo dẫn đến thừa cân, béo phì.... Cơ thể bị rối loạn điều hòa nội tiết, dẫn đến hội chứng cường androgen, tăng nồng độ hormone tuyến sinh dục LH, kháng insulin... khiến chu kỳ kinh rối loạn, cũng dẫn đến vô sinh.

Nữ giới mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ phát triển các bệnh chuyển hóa khác như tăng huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, đột quỵ, hội chứng ngưng thở khi ngủ...

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi lối sống giúp cải thiện bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật khi phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Theo bác sĩ Bắc, khoảng 50% phụ nữ có thể mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật. Phương pháp điều trị khác giúp người bệnh có thể mang thai là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Chuyên viên phòng lab đang thực hiện lọc rửa noãn (trứng) để thụ tinh ống nghiệm, giúp người mắc hội chứng buồng trứng đa nang sớm có con. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chuyên viên phòng lab lọc rửa noãn (trứng) để thụ tinh ống nghiệm, giúp người mắc hội chứng buồng trứng đa nang sớm có con. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung

Nguyên nhân có thể do nhiễm nấm, nhiễm khuẩn. Tình trạng viêm mạn tính có thể gây tổn thương cơ quan sinh sản, ảnh hưởng chất lượng trứng, làm thay đổi môi trường pH âm đạo, cản trở tinh trùng gặp trứng. Bệnh có thể điều trị bằng thuốc hoặc đốt diệt tuyến bằng phương pháp đốt điện, đốt laser, áp lạnh.

Viêm vùng chậu

Đây là tình trạng vi khuẩn di chuyển ngược dòng từ âm đạo, cổ tử cung lên tử cung đến ống dẫn trứng, buồng trứng, gây ra viêm hoặc áp xe tại cơ quan này. Bệnh thường do vi khuẩn lậu, chlamydia gây ra.

Bác sĩ Bắc cho biết tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng quá trình sản xuất trứng, suy giảm chất lượng trứng, có thể để lại sẹo trên ống dẫn trứng, gây tắc ống dẫn trứng, ngăn cản sự thụ tinh. Vòi trứng bị viêm dẫn tới tắc, chít hẹp, khiến trứng thụ tinh khó trở lại tử cung làm tổ, tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Điều trị thuốc kháng sinh giúp loại bỏ nhiễm trùng, song không thể phục hồi tổn thương sẹo đã hình thành tại ống dẫn trứng.

Suy buồng trứng sớm

Chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động, sản xuất trứng ở trước tuổi 40. Trứng không được sản sinh để phục vụ quá trình thụ tinh dẫn tới vô sinh, hiếm muộn. Hiện chưa có phương pháp điều trị suy buồng trứng sớm. Công nghệ hỗ trợ sinh sản hiện đại như trữ đông trứng (noãn), trữ đông mô buồng trứng, trữ đông phôi, thụ tinh ống nghiệm (IVF) giúp phụ nữ mắc bệnh bảo tồn khả năng làm mẹ.

Dính buồng tử cung

Dính buồng tử cung là hiện tượng lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương, khiến thành tử cung phía trước, phía sau dính lại với nhau. "Tình trạng xảy ra ở khoảng 90% trường hợp can thiệp nạo hút thai, nạo hút nhau bị sót sau sảy thai hoặc sau sinh", bác sĩ Bắc nói.

Tổn thương dính tại buồng tử cung khiến quá trình tái tạo lớp nội mạc chức năng sau khi kết thúc chu kỳ kinh gặp khó khăn, gây cản trở quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh. Nếu tử cung bị dính hoàn toàn, tinh trùng không thể di chuyển sâu bên trong để thụ tinh, gây vô sinh.

Trường hợp dính một phần, quá trình thụ tinh có thể vẫn diễn ra, phôi thai vẫn di chuyển vào buồng tử cung tìm vị trí làm tổ. Tuy nhiên, không gian buồng tử cung và diện tích nội mạc tử cung giảm, khó đáp ứng sự phát triển lớn dần của thai nhi.

Khối u tử cung, buồng trứng

U xơ tử cung, u nang buồng trứng, polyp tử cung, u lạc nội mạc tử cung... ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và mang thai theo nhiều cách khác nhau. Khối u buồng trứng kích thước lớn có thể chèn ép tế bào trứng, cản trở quá trình rụng trứng. Chúng cũng làm biến đổi hình dạng của tử cung, buồng trứng, gây tắc dính, cản trở tinh trùng tiến đến thụ tinh với trứng. Bác sĩ có thể phối hợp điều trị nội khoa, can thiệp ít xâm lấn như nút mạch, dùng hormone hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u nhưng vẫn bảo tồn khả năng làm mẹ.

Ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Người mắc các bệnh ung thư này điều trị bằng hóa, xạ trị có thể gây rối loạn kinh nguyệt, tổn thương buồng trứng, vô sinh.

Mắc bệnh lây qua đường tình dục

Giang mai, lậu, sùi mào gà... có thể gây viêm nhiễm vùng chậu, tổn thương cổ tử cung, vòi trứng, ống dẫn trứng, thay đổi pH âm đạo, tinh trùng khó gặp trứng để thụ tinh. Trường hợp thụ tinh thành công, phôi thai khó có thể di chuyển về tử cung để phát triển.

Bác sĩ Bắc khuyên phụ nữ đi khám phụ khoa định kỳ từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh phụ khoa thông thường.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp