Những người có nguy cơ cao đột quỵ

Đột quỵ có thể xảy ra theo hai cách chính là dòng máu cung cấp tới não bị ngừng (đột quỵ thiếu máu cục bộ) hoặc tình trạng chảy máu trong não (đột quỵ xuất huyết).

Đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra khi chất béo tích tụ trong động mạch vỡ ra, di chuyển lên não hoặc lưu lượng máu kém do nhịp tim không đều tạo thành cục máu đông. Đột quỵ xuất huyết ít gặp nhưng nguy hiểm hơn. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu trong não phồng lên, vỡ ra hoặc mạch máu yếu gây rò rỉ. Huyết áp cao không được kiểm soát hay dùng quá nhiều thuốc làm loãng máu có thể dẫn đến loại đột quỵ này.

Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng đột quỵ.

Huyết áp cao: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Người có chỉ số huyết áp 130/80 mmHg hoặc cao hơn cần đi khám và kiểm soát tốt để phòng nguy cơ đột quỵ. Kết hợp tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế ăn mặn hỗ trợ duy trì huyết áp khỏe mạnh.

Hút thuốc: Nicotine trong thuốc lá làm cho huyết áp tăng lên. Khói thuốc lá có thể làm tích tụ chất béo trong động mạch chính ở cổ, đồng thời khiến máu dễ đông hơn. Người hít khói thuốc thụ động cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự.

Bệnh tim: Tình trạng này bao gồm khiếm khuyết van tim, rung tâm nhĩ hoặc nhịp tim không đều. Lượng chất béo tích tụ trong máu cũng có khả năng gây tắc động mạch, dẫn đến ngừng cung cấp máu cho não.

Bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh này thường bị huyết áp cao, thừa cân, và cả hai đều làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bệnh tiểu đường còn có thể làm tổn thương các mạch máu. Nếu bị đột quỵ khi lượng đường trong máu cao, tổn thương não sẽ nhiều hơn.

Uống quá nhiều rượu: Rượu có thể gây ra một số vấn đề về tim cũng góp phần thúc đẩy đột quỵ (như rung tâm nhĩ, bệnh cơ tim). Ngoài ra, rượu còn ức chế đông máu, liên quan trực tiếp đến đột quỵ do xuất huyết.

Thừa cân: Khả năng đột quỵ tăng lên nếu một người thừa cân. Tập thể dục mỗi ngày chẳng hạn đi bộ trong 30 phút hoặc thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp như chống đẩy, tập tạ cũng giúp kiểm soát cân nặng phù hợp.

Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người đang dùng thuốc và có một số yếu tố gây đột quỵ trên cần trao đổi với bác sĩ để thay thế thuốc phù hợp.

Tuổi tác: Đột quỵ không chừa một ai nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi già đi. Tỷ lệ đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ từ 55 tuổi trở đi.

Di truyền: Đột quỵ có thể di truyền trong gia đình, nhất là có người thân mắc bệnh cao huyết áp hoặc tiểu đường. Một số cơn đột quỵ có thể xảy ra do rối loạn di truyền làm tắc nghẽn dòng máu đến não.

Bảo Bảo (Theo WebMD, Healthline)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp