Những tổn thương có thể khi nhịn hắt hơi

Khi cơ thể cảm nhận được sự xâm nhập của một yếu tố không mong muốn ở mũi, hắt hơi sẽ được kích hoạt.

Thời điểm này, những chất không mong muốn như bụi bẩn, vi khuẩn, phấn hoa hay nấm mốc… đều theo dịch ra ngoài 1 phần. Bằng cách này, bạn sẽ giảm bớt nguy cơ mắc một số bệnh liên quan tới hô hấp.

Theo các chuyên gia, hắt hơi khiến không khí thoát ra khỏi mũi với tốc độ lên tới 160km/h, đây là một áp lực cực lớn. Nếu bạn ngừng hắt hơi, tất cả áp lực này sẽ được chuyển sang một phần khác của cơ thể như tai, khí quản…gây ra vô số những tác hại khôn lường đối với sức khỏe.

Thủng màng nhĩ

Áp suất quá lớn trong hệ hô hấp khi nhịn hắt hơi sẽ khiến không khí lưu chuyển tới tai một cách đột ngột. Với áp suất mạnh như vậy, tai giữa và màng nhĩ sẽ bị ảnh hưởng, trong một số trường hợp, màng nhĩ của bạn thậm chí có thể bị thủng.

Nhiễm trùng tai giữa

Hắt hơi giúp giải phóng vi khuẩn từ mũi của bạn. Khi nhịn hắt hơi, vi khuẩn và chất nhầy ở mũi sẽ có xu hướng đi vào tai gây nhiễm trùng bên trong.

Phình động mạch

Như đã nói ở trên, việc nhịn hắt hơi sẽ khiến các cơ quan khác của cơ thể chịu áp lực rất lớn gây ra những tác hại không mong muốn đối với sức khỏe. Một trong số đó là chứng phình động mạch.

Gãy xương sườn

Một số báo cáo y học quốc tế cũng nhắc việc nhịn hắt hơi ở người lớn tuổi có thể làm gãy xương sườn.

Tổn thương mạch máu mắt

Nếu bạn ngừng hắt hơi, áp lực không khí sẽ bị mắc kẹt bên trong gây tổn thương mắt. Bởi các mao mạch máu ở trong mắt cũng dễ bị ảnh hưởng do chịu áp suất không khí.

Theo các chuyên gia, khi hắt hơi bạn cần chú ý: Che miệng và mũi bằng khăn giấy. Cẩn thận bỏ khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng.

Nếu không có khăn giấy, hãy ho hoặc hắt hơi vào tay áo trên chứ không phải bàn tay. Rửa tay bằng dung dịch khử trùng hoặc nước rửa tay có chứa 60% cồn sau khi ho, hắt hơi.