"Hành trình có con rất gian nan nên vợ chồng tôi quyết tâm giữ con bằng mọi giá", chị Phương, 30 tuổi, nói hôm 13/1, khi vào Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thăm con trai. Sau hơn một tháng được nằm lồng ấp và chăm sóc tích cực, tình trạng của bé trai ổn định và tiến triển tốt.
Chị Phương kết hôn 10 năm chưa có con do bị tắc một bên vòi trứng và lạc nội mạc tử cung. Năm ngoái, vợ chồng chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) thụ tinh ống nghiệm, song chuyển phôi hai lần thất bại. Lần thứ ba, chị Phương được BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc trung tâm chuyển hai phôi, giúp chị đậu song thai.
Không may, một thai chỉ sống được đến tuần thứ 9, thai còn lại được bác sĩ theo dõi chặt chẽ, sử dụng thuốc hỗ trợ, vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Ở tuần thai 25, chị Phương mắc biến chứng tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, huyết áp tăng cao 180/100 mmHg, thai nhỏ hơn so với tuổi thai, đái tháo đường thai kỳ.
Tiền sản giật là một trong những tình trạng nghiêm trọng xảy ra ở khoảng 5% phụ nữ mang thai. Tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề ở thai phụ gồm nhau bong non, hội chứng HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu), phù phổi cấp, suy hô hấp, suy thận cấp, tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch, bệnh thận, đái tháo đường. Thai nhi có thể bị chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non hoặc lưu thai. Trẻ sinh non tăng tỷ lệ bị viêm ruột hoại tử, bệnh võng mạc, xuất huyết nội sọ, chậm phát triển.
"Nếu không cấp cứu can thiệp kịp thời, chị Phương có nguy cơ bị co giật, thiếu oxy não gây tai biến mạch máu não, xuất huyết não ồ ạt, tử vong, thai nhi có nguy cơ suy, mất tim thai", TS.BS Nguyễn Thị Yến Thu, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết.
Chị Phương được mổ cấp cứu lấy thai với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa và Trung tâm Sơ sinh, sẵn sàng mọi phương án cứu mẹ và thai nhi. Bé trai chào đời non tháng chỉ nặng 650 g, cử động yếu, thở co ngực lõm, tím tái, suy hô hấp..., được các bác sĩ áp dụng "phác đồ giờ vàng". Đây là những kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời của trẻ sinh non và rất non, từ 24 tuần tuổi, gồm: kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, đặt nội khí quản, thở máy, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn...
Theo bác sĩ Thu, khi trẻ sinh cực non, các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện, trẻ chưa thể tự thở, cơ hội sống rất mong manh. Tỷ lệ sống sót là khoảng 50% đối với trẻ sinh ra ở tuần thứ 25 nếu được chăm sóc y tế tích cực ngay từ những giây đầu đời.
Con trai chị Phương được nuôi trong lồng ấp. Sau 9 ngày, bé dần cai máy thở, được rút nội khí quản, chuyển sang duy trì thở máy không xâm lấn. Hơn một tháng được chăm sóc tích cực, bé tăng từ 650 g lên 1 kg, mọi chỉ số sinh hiệu ổn định. Hiện bé được tiếp tục nuôi dưỡng thêm khoảng hai tháng, cân nặng đạt từ 2,5 kg sẽ được xuất viện.
Mỗi ngày, vợ chồng chị Phương vào bệnh viện thăm và trò chuyện với con. "Con được cứu sống và khỏe mạnh hơn mỗi ngày là điều hạnh phúc nhất của gia đình", chị nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, tiền sản giật là nguyên nhân gây ra khoảng 70.000 ca tử vong ở thai phụ, 500.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh mỗi năm trên thế giới. Thai phụ bị tiền sản giật nặng trước 29 tuần ở lần mang thai đầu như trường hợp chị Phương có nguy cơ tái phát trong các lần mang thai sau lên tới 40%, thậm chí cao hơn.
Những nhóm khác có nguy cơ tiền sản giật cao là phụ nữ có tiền sử người thân từng bị biến chứng này, mắc bệnh lý tăng huyết áp mạn tính; mang song thai hoặc đa thai, mang thai ở độ tuổi ngoài 35 hoặc quá trẻ (dưới 20 tuổi), thừa cân béo phì... Thai phụ bị tiền sản giật có các biểu hiện tăng huyết áp kèm lượng protein trong nước tiểu cao, hoặc các tổn thương như suy giảm chức năng thận, tổn thương gan, giảm tiểu cầu, phù phổi, biến chứng thần kinh (đau đầu, co giật, đột quỵ, vấn đề về thị giác), thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Bác sĩ Thảo khuyến cáo vợ chồng kết hôn sau một năm chưa có thai nên đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để được khám toàn diện, điều trị giúp sớm có con, tiết kiệm chi phí. Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi thai kỳ đúng các mốc khuyến cáo để kịp thời phát hiện bất thường. Với các biến chứng thai kỳ nguy hiểm, phát hiện và can thiệp sớm giúp đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi.
Hoài Thương
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |