Ở lại Việt Nam chữa ung thư thay vì ra nước ngoài

Trong hai năm qua, ông Tuấn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội bằng liệu pháp miễn dịch thế hệ mới kết hợp truyền hóa chất. Đến nay ông đã trải qua nhiều đợt thuốc, kích thước khối u giảm 70-80%, hạch trung thất đáp ứng hoàn toàn nên hết ho, ăn uống ngon miệng. Đánh giá kết quả này, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hải, khoa Ung Bướu, điều trị trực tiếp cho ông Tuấn nói: "Người bệnh đáp ứng rất tốt với thuốc miễn dịch". Còn bệnh nhân chia sẻ: "Tôi may mắn khi quyết định ở lại Việt Nam chữa bệnh".

Ông Tuấn có triệu chứng ban đầu ho ra máu, mệt mỏi, sụt cân nhẹ, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám kết quả chụp cắt lớp vi tính có khối u bên phổi phải, kích thước 3x4 cm. Bác sĩ Hải chẩn đoán ông Tuấn mắc ung thư phổi thuộc loại không tế bào nhỏ giai đoạn 3C, tiên lượng xấu, nếu không điều trị tiên lượng thời gian sống chỉ còn trên dưới một năm.

Người nhà đề nghị sang Singapore chữa bệnh bởi dịch vụ y tế tốt hơn, ông Tuấn phân vân "đi hay ở". Biết điều này, bác sĩ Hải khuyên ông yên tâm chữa ở Việt Nam bởi phác đồ chuẩn theo hướng dẫn điều trị lâm sàng quốc tế, đầy đủ các loại thuốc và công nghệ mới về điều trị ung thư phổi. Đồng thời, chữa bệnh trong nước, người bệnh được gần người thân, có chỗ dựa tinh thần. Đây là yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Tái khám hôm 26/11, ông Tuấn nhẹ nhõm với kết quả "đáp ứng tốt", cho biết tổng chi phí chữa bệnh ở trong nước của ông bằng 10-20% so với báo giá ban đầu của bệnh viện tại Singapore.

Còn ông Nguyễn Minh Chiến, 63 tuổi, u lympho không Hodgkin giai đoạn hai, tháng 2/2022 sang Singapore khám rồi về Việt Nam đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tham khảo thêm. Kết quả, bác sĩ Tâm Anh đưa ra phác đồ điều trị hoàn toàn trùng khớp với bệnh viện bên Singapore, gồm kháng thể đơn dòng kết hợp hóa trị. Ông Chiến chọn chữa ở trong nước. Hiện tại sau hai năm, kết quả chụp PET CT cho thấy u hạch tan hoàn toàn, ông sống khỏe mạnh, hầu như không gặp tác dụng phụ. Tổng chi phí của ông bằng khoảng 10% so với chi phí bệnh viện Singapore ước tính.

Kết quả chụp PET CT của ông Chiến sau 2 năm điều trị cho thấy hạch tan hoàn toàn. Nguồn ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Kết quả chụp PET CT của ông Chiến sau 2 năm điều trị cho thấy hạch tan hoàn toàn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trong số bệnh nhân ung thư đến khám tại khoa, khoảng 10-20% người bệnh có điều kiện sang nước ngoài, đa phần thuộc giới trung và thượng lưu. Họ có tâm lý cho rằng bệnh viện Việt Nam đông, phải chen chúc, bác sĩ khó tư vấn kỹ, chất lượng dịch vụ y tế chưa tốt, trong khi người bệnh ung thư cần được chăm sóc và nâng đỡ toàn diện về sức khỏe và tâm lý.

"Lựa chọn của người bệnh cần được tôn trọng song bác sĩ nên tư vấn, giải thích rõ những gì được và mất khi điều trị bệnh ở nước ngoài", bác sĩ Khiêm nói, thêm rằng nhiều vấn đề phát sinh khi ra nước ngoài như chi phí cao, bất tiện khi di chuyển, thủ tục phức tạp, bất đồng ngôn ngữ. Trường hợp người bệnh cần điều trị dài ngày, tài chính có thể trở thành gánh nặng. Trong khi hiện nay, trình độ bác sĩ và công nghệ chữa ung thư tại Việt Nam không thua kém các nền y tế phát triển.

Nhằm giữ chân người bệnh chữa bệnh trong nước, Bộ Y tế đang xây dựng đề án Khám, chữa bệnh chất lượng cao thu hút người nước ngoài và người có điều kiện chi trả khám, chữa bệnh ở Việt Nam. Đề án nhằm nâng cao chất lượng lâm sàng, dịch vụ y tế và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, hướng đến thu hút người nước ngoài, Việt kiều và người Việt có thu nhập cao điều trị tại các bệnh viện trong nước.

Thực tế, nhiều bệnh viện ở Việt Nam hiện nay đầu tư công nghệ, máy móc điều trị tiên tiến như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi, chụp cắt lớp vi tính 1950 dãy và tiến tới cắt lớp không giới hạn, ứng dụng robot trong phẫu thuật, can thiệp mạch, các loại thuốc miễn dịch nhiều thế hệ, thuốc nhắm trúng đích...

Theo bác sĩ Khiêm, chi phí điều trị tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với nước ngoài. Nhiều nhóm thuốc miễn dịch, thuốc đích thế hệ mới được các hãng thuốc tài trợ có thể giảm đến 50% so với giá gốc.

Bác sĩ Khiêm hỏi thăm sức khỏe người bệnh điều trị tại khoa Ung Bướu. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Khiêm hỏi thăm sức khỏe người bệnh điều trị tại khoa Ung Bướu. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hiểu đặc điểm bệnh lý, tâm lý, lối sống của người Việt, không bất đồng ngôn ngữ, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên phù hợp hơn về lối sống, sinh hoạt cho người bệnh, hỗ trợ quá trình điều trị, bác sĩ Khiêm cho biết.

Theo Bộ Y tế, thống kê từ nhiều năm trước cho thấy người Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm sang nước ngoài khám chữa bệnh, con số này có thể tăng lên 3-4 tỷ USD trong thời gian tới.

Tổ chức World Data Lab dự báo trong năm 2024, Việt Nam có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và đến 2030 sẽ có thêm 23,2 triệu người. Cùng với xu hướng này, nhu cầu hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngày càng gia tăng.

Hoài Phạm

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp