Phòng ngừa thoái hóa khớp

Sụn khớp có chức năng bảo vệ, giảm ma sát trong khớp khi chuyển động. Thoái hóa khớp là rối loạn mạn tính làm tổn thương phần sụn và các mô xung quanh khớp, gây đau cứng khớp, lạo xạo khi cử động khớp.

ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh, khoa Nội cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết không thể phòng ngừa thoái hóa khớp hoàn toàn, nhưng lối sống khoa học, lành mạnh, giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh.

Duy trì cân nặng lành mạnh

Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân thúc đẩy thoái hóa khớp phát triển. Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo mọi người nên duy trì cân nặng lành mạnh, giảm cân khi cần thiết, nhờ đó giảm áp lực cho các khớp, nhất là ở đầu gối, hông và lưng dưới.

Tập thể dục

Vận động giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao sự linh hoạt, dẻo dai cho các khớp. Tuy nhiên, tập luyện sai cách, gây chấn thương, có thể thúc đẩy thoái hóa khớp xảy ra nhanh hơn. Do đó, mọi người nên tập luyện với cường độ hợp lý, đúng động tác hoặc có người hướng dẫn để tránh sai cách, ảnh hưởng đến các khớp.

Để phòng ngừa chấn thương khi tập thể dục, mọi người nên khởi động trước khi tập và hạ nhiệt sau khi tập. Tập trên bề mặt phẳng, có độ ma sát để tránh té ngã. Mang giày vừa vặn, không gập gối quá 90 độ, nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy mệt hoặc bất thường.

Bác sĩ Tuấn Anh giải thích tình trạng sức khỏe xương khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Bác sĩ Tuấn Anh giải thích tình trạng sức khỏe xương khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Ăn uống khoa học

Không có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh có thể ngăn ngừa thoái hóa khớp. Song nhiều chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyến khích mọi người, nhất là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao, nên bổ sung axit béo omega 3 và vitamin D. Hấp thụ đủ lượng omega 3 cần thiết giúp giảm viêm khớp, nhờ đó ngăn chặn quá trình thoái hóa phát sinh sớm. Các thực phẩm giàu omega-3 gồm dầu cá, quả óc chó, hạt lanh...

Vitamin D có tác dụng giảm đau do thoái hóa khớp, làm chậm quá trình bào mòn sụn khớp. Vitamin D có trong cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích), trứng, sữa... Bổ sung thêm các tinh chất thiên nhiên như eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide thủy phân, turmeric root, chondroitin sulfate... hỗ trợ bảo vệ màng hoạt dịch, tăng độ bền, dẻo dai cho khớp.

Tập thể dục thường xuyên ở cường độ vừa phải giúp phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: Ngọc Phạm

Tập thể dục thường xuyên ở cường độ vừa phải giúp phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: Ngọc Phạm

Bác sĩ Tuấn Anh lưu ý loãng xương, nhiễm trùng khớp, viêm khớp dạng thấp... cũng có thể làm tăng tỷ lệ thoái hóa khớp. Người đã hoặc có nguy cơ mắc các bệnh lý này nên khám sức khỏe định kỳ và ngay khi có dấu hiệu bất thường. Phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách ngăn bệnh tiến triển nặng, bảo tồn được chức năng các khớp.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp