Phòng sốt xuất huyết cho trẻ béo phì thế nào?

Trả lời:

Người thừa cân, béo phì thường mắc các bệnh lý nền kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... Do đó, họ có hệ miễn suy giảm, khi mắc sốt xuất huyết dễ bị bội nhiễm và tiến triển nặng hơn. Các biến chứng có thể gặp gồm suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy người béo phì sản xuất nhiều Adipokine - protein truyền tín hiệu tế bào được tiết ra bởi mô mỡ. Loại protein này gây phản ứng viêm, rối loạn chức năng nội mô làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương, dẫn đến tụt huyết áp và sốc. Đồng thời các Adipokine có thể làm rối loạn chức năng tiểu cầu gây xuất huyết. Phản ứng viêm nặng nhất là gây ra cơn bão cytokine có thể làm tổn thương đa cơ quan như tim, gan, não, thận, phổi...

Người béo phì còn có khối lượng mỡ ở thành ngực và bụng dày, làm giảm thể tích phổi, tính đàn hồi của thành ngực và phổi, đẩy nhanh tình trạng suy hô hấp. Việc điều trị cho người béo phì cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác, điều chỉnh lượng dịch truyền phù hợp với thể trạng.

Trẻ béo phì khi mắc sốt xuất huyết dễ bị bội nhiễm và tiến triển nặng hơn. Ảnh: Vecteezy

Trẻ béo phì khi mắc sốt xuất huyết dễ bị bội nhiễm và trở nặng. Ảnh: Vecteezy

Do đó, người béo phì nguy cơ cao gặp biến chứng và nhiễm sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn so với người không mắc bệnh.

Béo phì đang gia tăng trên toàn cầu ở người lớn và trẻ em, bao gồm vùng nhiệt đới nơi sốt xuất huyết lưu hành. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% lên 19% (nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi), trong đó TP HCM là nơi có tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cao nhất cả nước khoảng 20-22%.

Trường hợp con bạn có nguy cơ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết cần tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt. Vaccine Qdenga do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất tại Đức, dành cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn. Mũi tiêm giúp phòng ngừa đầy đủ 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4) với hiệu quả hơn 80% và ngăn ngừa hơn 90% nguy cơ nhập viện. Cháu cần tiêm hai mũi cách nhau ba tháng.

Ngoài ra, gia đình phòng muỗi đốt cho cháu bằng nhiều cách như cho mặc quần áo dài tay, ngủ màn, sử dụng xịt chống muỗi. Gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ phế thải có chứa nước trong và xung quanh nhà, súc rửa lu vại, đậy kín dụng cụ chứa nước... để không cho muỗi đẻ trứng. Phát quang bụi rậm, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, thường xuyên giặt giũ chăn màn cũng là cách không cho muỗi trú ngụ...

Bác sĩ Hà Mạnh Cường
Quản lý Y khoa Vùng 2 - Mekong, Hệ thống Tiêm chủng VNVC

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.