Phương pháp điều trị khó nuốt tái phát sau phẫu thuật thất bại

Co thắt tâm vị là tình trạng thực quản không thể đẩy thức ăn xuống dạ dày do bất thường nhu động thân thực quản, cơ vòng dưới thực quản không mở ra hoàn toàn, gây ứ đọng thức ăn tại thực quản. Người bệnh co thắt tâm vị có thể được điều trị nội khoa, nong bóng, phẫu thuật cắt cơ vòng dưới thực quản (phẫu thuật Heller) hoặc phẫu thuật cắt cơ thực quản qua nội soi đường miệng (POEM - Peroral Endoscopic Myotomy).

Ngày 26/11, TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nếu tái phát co thắt tâm vị sau điều trị nong bóng hay phẫu thuật Heller, người bệnh có nguy cơ biến chứng, biến đổi giải phẫu phức tạp, khó khắc phục bằng phương pháp khác dễ dẫn đến suy kiệt. Phẫu thuật POEM được xem là lựa chọn mang lại hiệu quả tốt cho trường hợp phẫu thuật co thắt tâm vị thất bại, giúp chỉnh sửa, cải thiện cơ thực quản chít hẹp.

"Điều trị cho người bệnh khó nuốt do co thắt sau phẫu thuật thất bại thường gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian và kỹ thuật phức tạp", ThS.BS Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, nói, giải thích thực quản bị biến dạng cấu trúc do bệnh lý, thay đổi hình dạng do quá trình phẫu thuật trước đó. Kết hợp tình trạng hẹp do biến chứng khiến bác sĩ khó định hướng để đưa dây nội soi vào phần thực quản chít hẹp, tạo đường hầm và cắt cơ thực quản. Thao tác cần cẩn trọng bởi một sơ suất nhỏ có thể làm thủng thực quản, trung thất, và tổn thương tim. Lúc này, phẫu thuật POEM mới hỗ trợ giải quyết các khó khăn. Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, có thể cắt dọc cơ thực quản đoạn dài và tránh được các vết mổ ở bụng, bệnh nhân phục hồi nhanh, thường 1-2 ngày có thể ăn bình thường.

Ê kíp phẫu thuật cho người bệnh co thắt tâm vị. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Êkíp phẫu thuật cho người bệnh co thắt tâm vị. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trước đây, điều trị chứng khó nuốt, nuốt nghẹn do co thắt tâm vị chủ yếu bằng phẫu thuật cắt cơ Heller và nong thực quản bằng bóng. Trong đó, nong bóng có thể giảm triệu chứng nhanh nhưng tỷ lệ tái phát khá cao. Phẫu thuật cắt cơ Heller được coi là điều trị chuẩn đối với bệnh lý co thắt tâm vị do hiệu quả điều trị cao, giảm triệu chứng ở 90% bệnh nhân, tỷ lệ giảm sau 10 năm hơn 80%. Tuy nhiên, phương pháp này tiếp cận mở thông qua ngực hoặc bụng, người bệnh vẫn có nguy cơ biến chứng như hẹp thực quản do thắt đáy quá chặt, trào ngược dạ dày thực quản. Phẫu thuật xâm lấn nên thời gian nằm viện kéo dài, để lại sẹo trên thành bụng.

Một nghiên cứu hơn 1.200 bệnh nhân, kết quả đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia (Mỹ), cho thấy tỷ lệ thành công sau thủ thuật POEM khoảng 95%. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bà Mai và bà Kim là hai trường hợp đầu tiên được phẫu thuật POEM để điều trị nuốt nghẹn tái phát sau thất bại ở các phương pháp cũ.

Bà Mai, 67 tuổi, ngụ Nam Định, khó nuốt, nuốt nghẹn, được chẩn đoán co thắt tâm vị, đã nong thực quản bằng bóng và phẫu thuật điều trị co thắt tâm vị, tạo van chống trào ngược. Sau phẫu thuật, người bệnh còn nuốt nghẹn đồ ăn đặc, bữa ăn hàng ngày kéo dài khoảng hai giờ. Triệu chứng tăng nặng khiến bà sụt khoảng 10 kg trong một năm, sức khỏe suy kiệt. Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh nội soi và chẩn đoán bà Mai mắc co thắt tâm vị kèm viêm thực quản trào ngược độ A, viêm dạ dày. Đo vận động thực quản HRM xác định bà bị co thắt tâm vị type một.

Còn bà Kim, 45 tuổi, ở Thái Bình, trào ngược, cảm giác đầy hơi, ợ hơi, ho nhiều, kèm theo nóng rát cổ khoảng hai năm. Người bệnh đi khám, điều trị thuốc không cải thiện, được phẫu thuật tạo van chống trào ngược. Hậu phẫu, bà đau thượng vị (trên rốn), nuốt nghẹn cả đồ ăn đặc và lỏng, không thể ăn uống được, phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Bác sĩ ghi nhận thực quản của bệnh nhân bị chít hẹp vị trí tâm vị gây tắc nghẽn đường xuống thực quản kèm sẹo loét dạ dày.

Theo bác sĩ Tiến, hai bệnh nhân nếu điều trị bằng phương pháp nong bóng thực quản hoặc phẫu thuật nội soi cắt cơ thông thường sẽ dễ tái phát, khó thực hiện, làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như thủng thực quản, chảy máu, áp xe trung thất... Cả hai được nội soi cắt cơ thực quản qua đường miệng nhằm chỉnh sửa, phục hồi thực quản. Sau ba ngày điều trị, họ có thể ăn uống bình thường, hai tháng sau tăng cân, ổn định sức khỏe.

Bác sĩ Tiến tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tiến tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tiến lưu ý người bệnh sau cắt cơ cần duy trì thói quen ăn uống sinh hoạt khoa học để giảm nguy cơ tái phát như dùng thức ăn lỏng, đầy đủ dinh dưỡng, tránh dùng các loại gia vị tỏi, hành, ớt. Hạn chế ngủ ngay sau khi ăn, tránh uống nước quá nóng hoặc quá lạnh, không uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích.

Đến nay, nguyên nhân gây ra co thắt tâm vị vẫn chưa được xác định rõ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ như nhiễm trùng, rối loạn tự miễn và các bệnh ác tính. Các phương pháp thăm dò chẩn đoán bệnh như nội soi dạ dày, chụp X-quang baryt thực quản, đo vận động thực quản. Người bệnh co thắt tâm vị sau phẫu thuật nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ tái phát nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm, ngăn bệnh tiến triển.

Lục Bảo

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp