Phương pháp tầm soát nguy cơ sinh non

Sinh non là tình trạng trẻ chào đời trước 37 tuần thai. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng 152 triệu trẻ em sinh non trong một thập kỷ qua (năm 2010-2020). Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Mức độ sinh non được phân loại theo tuổi thai gồm cực non (trước 28 tuần), rất non (28-32 tuần), non trung bình (32-34 tuần), non muộn (34-37 tuần). TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Đơn vị Y học bào thai, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết hầu hết ca sinh non diễn ra tự nhiên, nhưng một số trường hợp do biến chứng thai kỳ khác buộc phải kích thích chuyển dạ sớm hoặc sinh mổ nhằm cứu sống mẹ và con. Xác định sớm những thai phụ có nguy cơ sinh non rất quan trọng, giúp bác sĩ lên kế hoạch dự phòng, đảm bảo thai kỳ tốt nhất.

Theo bác sĩ Long, cách tốt nhất để sàng lọc sinh non là siêu âm đo chiều dài cổ tử cung cho thai phụ qua ngả âm đạo, khi khám thai thường quy ở ba tháng giữa thai kỳ. Chiều dài cổ tử cung dưới 25 mm trước tuần thai 24 cảnh báo tình trạng này. Kết hợp với yếu tố như tiền sử sinh non, phẫu thuật cổ tử cung, dị tật tử cung bẩm sinh... của thai phụ, bác sĩ có thể dự đoán khả năng này cao hay thấp.

Fibronectin là chỉ số xét nghiệm sinh hóa nhanh, có thể dự báo nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày. Phương pháp này thường được chỉ định cho thai phụ có triệu chứng dọa sinh non (cơn gò tử cung, đau bụng dưới, xuất huyết âm đạo...), siêu âm chiều dài cổ tử cung 20-29 mm.

Bác sĩ Long siêu âm cho thai phụ tại phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh: Đình Lâm

Bác sĩ Long siêu âm cho thai phụ tại phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh: Đình Lâm

Thai phụ có thể được điều trị phòng ngừa sinh non bằng dự phòng thuốc, khâu vòng cổ tử cung. Dựa vào tuổi thai, tiền sử sản khoa, chiều dài cổ tử cung, bác sĩ tư vấn phương pháp tối ưu. Thuốc bổ sung Progesterone tự nhiên đặt âm đạo được khuyến cáo cho thai phụ đơn thai, không triệu chứng, tiền sử sinh non hoặc từ thời điểm ghi nhận cổ tử cung ngắn cho đến 36 tuần. Khâu vòng cổ tử cung thường được cân nhắc nếu cổ tử cung dưới 10 mm hoặc mở.

Trẻ sinh càng non càng gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trẻ có thể gặp các biến chứng suy hô hấp, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, vàng da, nhiễm trùng, chậm phát triển thần kinh, hội chứng chuyển hóa, vấn đề về thị lực và thính lực...

Bác sĩ Long khuyến nghị thai phụ có triệu chứng co thắt tử cung, đau quặn bụng dưới, tiết dịch âm đạo bất thường, màu giống nước ối hoặc máu, buồn nôn... nên đi khám. Thai phụ bị nhiễm trùng, đái tháo đường thai kỳ, huyết áp cao, tiền sản giật, bệnh thận... cần tuân thủ điều trị, quản lý thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, không hút thuốc, uống rượu, thường xuyên vận động nhẹ nhàng giảm nguy cơ sinh non.

Ngọc Châu

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp