Quyết tâm giảm cân do gan nhiễm mỡ

Chị Thúy cao 1,52 m, tăng cân cách đây 5 năm, hiện nặng 72,7 kg, đau khớp gối, áp dụng các biện pháp giảm cân như nhịn ăn, giảm tinh bột song bất thành. Gần đây, chị kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện gan nhiễm mỡ, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị béo phì.

Ngày 2/1, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết chỉ số khối cơ thể (BMI) chị Thúy là 33,7 kg/m2, mỡ nội tạng 171,6 cm2, béo phì độ hai, gan nhiễm mỡ độ hai.

Bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị bằng thuốc uống, thuốc tiêm, kết hợp dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và thời gian của chị. Dùng thuốc hàng ngày giúp chị cảm thấy no lâu hơn, không còn thèm ăn nhiều như trước mà không cần kiêng khem quá mức. Các bài tập được thiết kế riêng để giảm triệu chứng đau khớp khối. Trong tháng điều trị đầu tiên, chị Thúy giảm 3 kg. Sau ba tháng, chị giảm tổng 7 kg, đỡ đau khớp gối, gan nhiễm mỡ giảm xuống độ một.

Chị Thúy được chuyên viên y học vận động hướng dẫn các bài tập đơn giản trong lần khám đầu tiên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chị Thúy được chuyên viên y học vận động hướng dẫn các bài tập đơn giản trong lần khám đầu tiên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Hoàng, kiểm soát cân nặng góp phần đẩy lùi nguy cơ mắc nhiều bệnh. Thừa cân, béo phì có nhiều nguyên nhân. Để giảm cân hiệu quả, ngăn ngừa và đẩy lùi biến chứng bệnh, người bệnh béo phì cần phác đồ điều trị riêng, kết hợp từ dinh dưỡng, vận động, ăn uống. Giảm cân quá nhanh, đột ngột khiến cơ thể không thích ứng kịp, dễ dẫn đến tăng cân nhanh trở lại.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo người béo phì không nên tự giảm cân với các phương pháp như nhịn ăn cực đoan, uống thực phẩm chức năng và thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Tự giảm cân không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận.

Đức Hạnh

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp