Một số trường hợp mất cân bằng nội tiết tố tạm thời, có thể tự khỏi. Nếu tình trạng kéo dài, người bệnh nên đi khám. Bởi nhiều bệnh lý có thể do rối loạn hormone trong cơ thể gây ra.
Kinh nguyệt không đều
Một số hormone tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt bao gồm estrogen, progesterone. Mất cân bằng một trong hai loại hormone này có thể khiến kinh nguyệt không đều. Các tình trạng liên quan đến hormone gồm hội chứng buồng trứng đa nang và vô kinh.
Vô sinh
Mất cân bằng nội tiết tố cũng có khả năng làm tăng nguy cơ vô sinh nữ. Hội chứng buồng trứng đa nang và tình trạng không rụng trứng có thể gây vô sinh. Nam giới bị mất cân bằng nội tiết tố chẳng hạn mức testosterone thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Mụn trứng cá
Mụn trứng cá xuất hiện chủ yếu do tắc lỗ chân lông. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây mụn như thay đổi hormone trong thời kỳ dậy thì. Các tuyến dầu trên da mặt, bị kích thích khi hormone hoạt động mạnh trong thời kỳ này.
Mụn trứng cá ở người lớn phát triển khi những thay đổi về nội tiết tố làm tăng lượng dầu trên da. Điều này phổ biến khi mang thai, mãn kinh, ở người đang dùng liệu pháp testosterone.
Bệnh tiểu đường
Thông thường tuyến tụy của người bệnh tiểu đường không sản xuất đủ hormone insulin hoặc cơ thể không sử dụng nó đúng cách. Bệnh có nhiều loại như tiểu đường type 1, 2, tiểu đường thai kỳ. Người bệnh cần đến bác sĩ khám và điều trị để phòng tránh biến chứng.
Bệnh tuyến giáp
Hai loại chính của bệnh tuyến giáp là suy giáp (hormone tuyến giáp sản xuất ít) và cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp). Mỗi tình trạng do nhiều nguyên nhân gây ra, cần theo dõi và điều trị phù hợp.
Béo phì
Nhiều loại hormone có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể báo hiệu về dung nạp thức ăn và cách sử dụng năng lượng. Mất cân bằng một số hormone có thể dẫn đến tăng cân dưới dạng tích trữ chất béo. Ví dụ, hormone cortisol dư thừa và hormone tuyến giáp thấp góp phần gây béo phì.
Phái đẹp có thể kiểm soát nội tiết tố bằng những thói quen hàng ngày như nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, kiểm soát lượng đường bổ sung. Lượng đường cao dẫn đến tăng đường huyết đột biến, khiến tuyến tụy tiết ra insulin góp phần gây ra tình trạng kháng insulin.
Axit béo không bão hòa đa omega-3 cũng góp phần cân bằng hormone, có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng các hormone như cortisol và adrenaline. Một số cách giúp giảm stress như thiền, yoga. Ngủ không đủ giấc có thể thay đổi mức độ ghrelin và leptin. Đây là những hormone điều chỉnh sự thèm ăn, thường dẫn đến tăng cảm giác đói, gây tăng cân.
Lê Nguyễn (Theo Cleveland Clinic)
Độc giả gửi câu hỏi về sinh lý nữ tại đây để bác sĩ giải đáp |