Sau cắt amidan có cần kiêng nói?

Trả lời:

Cắt amidan là phẫu thuật nhằm loại bỏ hai khối lympho hình bầu dục, có nhiều mô viêm ở hai bên thành họng (amidan khẩu cái). Đây là biện pháp cuối cùng điều trị viêm amidan mạn tính, viêm amidan quá phát (amidan sưng to) chèn ép đường thở khi điều trị nội khoa không hiệu quả.

Thời gian lành thương hoàn toàn khoảng hai tuần. Người bệnh cắt amidan có thể đi học, đi làm trở lại sau 2-3 ngày nếu hồi phục tốt, song cần tránh các hoạt động chạy nhảy, thể dục nặng. Sau ba giờ phẫu thuật, người bệnh có thể ăn uống, ưu tiên thức ăn mềm lỏng, tránh món cứng, nóng vì có thể gây kích ứng vùng phẫu thuật. Tuần thứ hai, người bệnh có thể ăn thức ăn cắt nhỏ, nấu chín mềm, miến, bún, phở nguội, uống sữa nguội, nước suối mát. Từ ngày 15 trở đi, người bệnh ăn uống bình thường.

Sau khi cắt amidan, bạn không cần kiêng nói hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn nên nói nhỏ, hạn chế nói to, la hét trong khoảng 7-10 ngày đầu để giảm áp lực lên vết thương, tránh tổn thương vùng họng. Nghỉ ngơi và hạn chế nói nhiều để quá trình lành thương diễn ra thuận lợi hơn, giảm nguy cơ chảy máu hoặc kích thích tại vùng mổ. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật, khả năng chữa lành của cơ thể và người bệnh có gặp biến chứng hay không.

Hiện phương pháp phẫu thuật amidan Coblator sử dụng sóng radio cao tần để bóc tách mô amidan ở nhiệt độ thấp, khoảng 40-70 độ C. Đây là phương pháp cắt điện lạnh giúp cắt, đốt, cầm máu tại chỗ, hạn chế tối đa nguy cơ chảy máu, bảo tồn tối đa các mô lành.

Bác sĩ Nguyên (bên trái) phẫu thuật cắt amidan cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Nguyên (bên trái) phẫu thuật cắt amidan cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Vệ sinh răng miệng sau khi cắt amidan cũng rất quan trọng để phòng ngừa các biến chứng và hỗ trợ cải thiện sức khỏe răng miệng. Nên sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng và không dùng lực súc miệng quá mạnh. Tránh ho khạc mạnh làm tổn thương, kích ứng vùng mổ gây chảy máu, ảnh hưởng đến quá trình lành thương.

Sau 24 giờ cắt amidan, người bệnh có thể đánh răng nhẹ. Lúc này, phần niêm mạc bên trong khoang miệng dễ tổn thương nên người bệnh cần chọn bàn chải đánh răng lông mềm có đầu nhỏ, tròn để làm sạch được các ngách nhỏ trong khoang miệng và không làm tổn thương nướu.

Để vết mổ nhanh lành, bạn nên hạn chế tiếp xúc người bệnh cảm cúm, viêm mũi họng, nơi khói bụi. Cần tuân thủ điều trị của bác sĩ sau phẫu thuật và tái khám theo lịch hẹn để bệnh nhanh hồi phục, hạn chế biến chứng.

ThS.BS.CKI Nguyễn Trung Nguyên
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp