Tại sao bệnh thận mạn tiến triển âm thầm?

Trả lời:

Thận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng, trong đó có lọc máu và đào thải độc tố, chất dư thừa qua đường nước tiểu. Thận thực hiện được chức năng này nhờ các đơn vị thận (nephron). Khi các đơn vị thận bị tổn thương hay mất chức năng do bệnh thận mạn, các đơn vị thận bình thường tăng cường hoạt động để bù đắp. Do đó, ở giai đoạn đầu của bệnh thận mạn, người bệnh thường không có biểu hiện bất thường.

Tuy nhiên, sau một thời gian tăng cường hoạt động, chức năng của các đơn vị thận dần mất đi, không còn khả năng bù trừ. Khi đó, độc tố và chất dư thừa không được lọc hiệu quả, tích tụ dần trong máu, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, chán ăn, buồn nôn, khó thở...

Em của bạn được chẩn đoán suy thận mạn độ 5, tức giai đoạn cuối. Lúc này độ lọc cầu thận (eGFR giảm dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da). Em của bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về điều trị thay thế thận bằng các biện pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) hay ghép thận để duy trì sự sống.

BS.CKII Đinh Cẩm Tú
Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu
Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp