Tại sao cần sinh thiết trước phẫu thuật u tuyến giáp?

Trả lời:

U tuyến giáp là những nốt hoặc khối đặc, cũng có thể là nang, hình thành bên trong nhu mô tuyến giáp. U tuyến giáp thường gặp, hơn 90% u lành tính, 4-6,5% có nguy cơ ung thư.

U lành tính và u ác tính được điều trị, phẫu thuật khác nhau. Do đó, khi phát hiện u, bác sĩ chỉ định bạn làm sinh thiết là bình thường. Sinh thiết trước phẫu thuật giúp xác định tính chất u lành hay ác tính, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp.

Với sinh thiết u tuyến giáp, bác sĩ thường chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA). Đây là kỹ thuật lấy mẫu tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm để xét nghiệm tế bào học xác định tính chất khối u. Chọc sinh thiết không làm u tuyến giáp lành tính chuyển sang ác tính. Trường hợp u ác tính, quá trình chọc vào u để lấy mẫu cũng không khiến tế bào ung thư lan rộng.

Bác sĩ Mạnh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Mạnh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trường hợp u lành tính, người bệnh có thể theo dõi định kỳ, điều trị bằng uống thuốc, đốt sóng cao tần (RFA). Nếu u lành tính có kích thước trên 4 cm hoặc chưa đến 4 cm nhưng ảnh hưởng thẩm mỹ, u khiến người bệnh khàn giọng, nuốt vướng..., bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Với u ác tính, người bệnh được phẫu thuật cắt một hoặc cả hai thùy tuyến giáp. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể uống iốt phóng xạ (nếu cần thiết) để ngăn nguy cơ tái phát, di căn.

Hầu hết u tuyến giáp không gây triệu chứng nên khó phát hiện sớm. U biểu hiện triệu chứng như trồi ra da, gây khó nuốt, khó thở thường ở giai đoạn muộn, khó điều trị. Mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, siêu âm vùng cổ. Siêu âm giúp bác sĩ phát hiện tổn thương nhỏ chỉ từ 2 mm, đánh giá kích thước, cấu trúc, thay đổi mô, vi vôi hóa, bờ u không đều, giảm âm, tăng sinh mạch máu...

ThS.BS.CKII Phạm Tuấn Mạnh
Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp